Thôn Kon Klor (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) có trên 230 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, tất cả đều là đồng bào dân tộc Ba Na. Kể từ khi địa phương bắt đầu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn cũng như đời sống của người dân trong thôn Kon Klor từng bước được cải thiện. 

Đến thôn Kon Stiu II (xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà), niềm vui của bà con nơi đây vẫn chưa nguôi khi giữa năm 2023, thôn được công nhận đạt chuẩn thôn, làng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS.

Thôn Thanh Xuân (xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà) có 110 hộ với 498 nhân khẩu, trong đó 95% người dân tộc Thái. Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đặc biệt từ khi được huyện Đăk Hà chọn làm điểm xây dựng thôn, làng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, người dân trong thôn tích cực đóng góp công sức để thực hiện các tiêu chí với quyết tâm cao.

Cuối năm 2022, thôn Thanh Xuân đã hoàn thành 10/10 tiêu chí nông thôn mới. Và tháng 7/2023, thôn được UBND huyện Đăk Hà công nhận đạt chuẩn thôn, làng nông thôn mới.

Đây là những minh chứng sống động cho thấy hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đang góp phần thay đổi đời sống kinh tế - xã hội tại các buôn làng nơi rừng già Trường Sơn.

Từ những thành tựu đã đạt được, năm ngoái, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 1754/KH-UBND về xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025.

Kế hoạch này đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 50% trở lên số thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận thôn (làng) nông thôn mới. Toàn tỉnh có 249/498 thôn (làng) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận thôn (làng) nông thôn mới (trong đó có 19 thôn đã được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2021). Các thôn (làng) còn lại hàng năm xác định mục tiêu duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí đạt được so với mục tiêu, lộ trình cụ thể, hạn chế thấp nhất các tiêu chí, chỉ tiêu năm sau thấp hơn năm trước; trong đó:

Giai đoạn 2022 - 2023: Toàn tỉnh tổ chức thực hiện điểm tại các cấp (tỉnh, huyện, xã), phấn đấu có 95 thôn (làng) đạt chuẩn nông thôn mới; Cụ thể: Tiếp tục rà soát, xây dựng đảm bảo duy trì sự đạt chuẩn thôn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Thôn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 đã được UBND tỉnh ban hành đối với 19 thôn (làng) đã được công nhận thôn nông thôn mới năm 2021. Các thôn (làng) còn lại phấn đấu cơ bản có 6/10 tiêu chí đạt chuẩn trở lên, ưu tiên hoàn thành các tiêu chí như: Tiêu chí số 1 về giao thông, số 2 về điện, số 3 về cơ sở vật chất văn hóa, số 4 về thông tin và truyền thông, số 8 về Văn hóa, giáo dục và y tế, số 10 về an ninh trật tự xã hội… Năm 2023: 95/95 thôn (làng) thực hiện điểm các cấp có 10/10 tiêu chí đạt chuẩn và được công nhận đạt chuẩn thôn (làng) nông thôn mới.

Đến năm 2025: toàn tỉnh có 249/498 thôn (làng) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận thôn (làng) nông thôn mới (trong đó giai đoạn   2024 - 2025 phấn đấu có thêm 135 thôn (làng) đạt chuẩn nông thôn mới).

Cùng với việc triển khai nội dung thực hiện và nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban ngành, tại Kế hoạch nêu trên UBND tỉnh  giao UBND các huyện, thành phốChủ động rà soát, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm; vốn ngân sách huyện, thành phố đối ứng theo phân cấp hiện hành và lồng ghép, huy động xã hội hóa từ các nguồn hợp pháp khác để thực hiện xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; Đảm bảo tỷ lệ đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quy định. Chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ các xã thực hiện theo bộ thiêu chí đã ban hành.

Muốn đạt được mục tiêu xây dựng NTM như đã đề ra, tỉnh Kon Tum sớm xác định rõ các định hướng quy hoạch và phát triển để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đơn cử, tỉnh chú trọng đưa cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững"... ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân.

Đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy trí tuệ tập thể trong triển khai thực hiện chương trình bảo đảm thực chất, hiệu quả nhằm cải thiện đời sống và sinh kế của người dân. Các cấp, các ngành, các địa phương liên quan không những tăng cường phối hợp hướng dẫn các xã thực hiện xây dựng NTM mà còn làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn lực. Qua đó, phát hiện và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, tránh được những sự trùng chéo hoặc dàn trải, hiệu quả thấp trong sử dụng nguồn vốn đầu tư cho chương trình.