Trong báo cáo gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về kết quả triển khai chuyển đổi số năm 2022 mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông Kon Tum cho hay, trong năm 2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu về phát triển hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã được giao trong Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và thông báo kết luận tại các phiên họp của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Kon Tum đã ban hành 1 nghị quyết, 4 quyết định và 12 kế hoạch làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trong năm 2022 và các năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh.
Về nhận thức số, tỉnh đã ban hành Kế hoạch về triển khai Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022. Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp... đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia thuộc lĩnh vực, địa phương quản lý.
Về hạ tầng số, 100% xã được phủ sóng 2G, 3G, 4G; hạ tầng mạng cáp quang phủ đến 100% xã và 97,7% số thôn được phủ sóng 4G. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 06/48 thôn lõm sóng viễn thông. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 66,44%. Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 79,79%. Tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 48,33%.
Về nhân lực số, tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Đối với cơ quan nhà nước: công chức, viên chức chuyên trách về chuyển đổi số có 64 người, kiêm nhiệm: 152 người. Có 10/10 huyện, thành phố đã thành lập 566 tổ công nghệ số cộng đồng với 2.519 thành viên tham gia. Tỷ lệ tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn trên địa bàn tỉnh đạt 100%.
Trong năm 2022, tỉnh Kon Tum cũng tham gia các chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông tập huấn tại Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (One Touch): cử 26 thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tham gia chương trình bồi dưỡng theo Đề án 146. Hỗ trợ 132 cán bộ lãnh đạo cấp xã tham gia chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số cho lãnh đạo UBND cấp xã.
Phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị nội dung, hạ tầng tổ chức Chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho 566 tổ công nghệ số cộng đồng với 2.519 thành viên trên địa bàn tỉnh tham dự.
Tham gia các khóa đào tạo do Cục An toàn thông tin tổ chức. Tổ chức tập huấn và diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng năm 2022 cho cán bộ là thành viên đội ứng cứu sự cố của tỉnh, cán bộ kỹ thuật chuyên trách về công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, tỉnh Kon Tum đã triển khai hệ thống giám sát mã độc có chức năng cho phép quản trị tập trung; có dịch vụ, giải pháp hỗ trợ kỹ thuật 24/7, có khả năng phản ứng kịp thời trong việc phát hiện, phân tích và gỡ bỏ phần mềm độc hại, với tổng số máy tính được cài đặt: 5528 máy tính. Đồng thời triển khai kết nối và chia sẻ thông tin giám sát với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC).
Tổ chức triển khai bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin theo mô hình “4 lớp”, trong đó lớp 1 “Lực lượng tại chỗ” là thành viên tổ giúp việc Ban chỉ đạo về Chính quyền điện tử tỉnh. Đối với các lớp còn lại (lớp 2, 3, 4) và nhiệm vụ triển khai Trung tâm Giám sát, điều hành, an toàn, an ninh mạng (SOC), hiện đang nghiên cứu phương án triển khai thí điểm giải pháp của doanh nghiệp, trên cơ sở đánh giá sự phù hợp của giải pháp để quyết định việc thuê dịch vụ. Trong năm, Trung tâm Giám sát, điều hành, an toàn, an ninh mạng (SOC) đã ghi nhận, cảnh báo và thực hiện xử lý 17 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của tỉnh.
Lĩnh vực chính quyền số cũng được tỉnh ưu tiên phát triển. Theo đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I và II đến 100% các đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã. Trục kết nối chia sẻ dữ liệu (LGSP) Kon Tum đã khai thác hiệu quả để phục vụ nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước.
Tính đến 11/2022 trên Trục kết nối chia sẻ dữ liệu (LGSP) có 33.083 văn bản được gửi lên Trục liên thông văn bản quốc gia; 61.584 văn bản được nhận từ Trục liên thông văn bản quốc gia; 6.142 lần trao đổi, gửi nhận dữ liệu Hệ thống thông tin quản lý hộ tịch và lý lịch tư pháp; 3.078 yêu cầu trao đổi, gửi nhận dữ liệu đăng ký doanh nghiệp; 91.901 yêu cầu trao đổi cấp mã số cho các đơn vị có quan hệ với ngân sách.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cung cấp 1.170 dịch vụ công toàn trình (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4); 595 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tỉnh đã thực hiện tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.289/1.765 thủ tục hành chính của tỉnh (đạt 73.03%).
Các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước tiếp tục được phát triển, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động, đổi mới phương thức làm việc. Có trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử.
Đặc biệt, tỉnh Kon Tum còn triển khai ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành, các thông tin về kinh tế - xã hội nhanh chóng, hiệu quả. Sử dụng Sổ sức khỏe điện tử và triển khai ứng dụng VssID – bảo hiểm xã hội số trên điện thoại thông minh để sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trong ứng dụng thay cho thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy khi khám chữa bệnh…
Nhìn chung, tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Kon Tum có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra thiết thực, tạo sự lan tỏa trong nhận thức của cán bộ công chức, viên chức và người dân về lợi ích của chuyển đổi số mang lại.
Thanh Hải