Tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm hơn 54% dân số, trong đó có 07 dân tộc tại chỗ (Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm).
Trong giai đoạn 2019 - 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn huy động đầu tư toàn xã hội để đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh là 112.579 tỷ đồng (không bao gồm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia); tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 4.687 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 40,66 triệu đồng năm 2019 lên 58,42 triệu đồng năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 12,45% so với tổng số hộ DTTS, bình quân giảm từ 3 - 4%/năm. 13/25 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 48/186 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Toàn tỉnh có 236 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao còn hiệu lực; có 48 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 02 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 65/498 thôn, làng vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 13%.
Kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Hệ thống giao thông được đầu tư, nâng cấp; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 80% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt khoảng 91%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 86,5%...
Các công trình, cụm công trình thủy lợi được sửa chữa, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của Nhân dân.
Công tác đào tạo nghề tiếp tục được duy trì thường xuyên, các nhiệm vụ, giải pháp về chính sách đào tạo nghề được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Mạng lưới y tế từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai kịp thời, hiệu quả; 85,25% người DTTS có thẻ BHYT; các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng...