Tham dự buổi tập huấn hôm nay (20/4) có bà Y Ngọc - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Kon Tum; ông Trịnh Khắc Cường - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Nhân quyền tỉnh Kon Tum; bà Thiều Thị Hương - Vụ Trưởng Vụ Tin lành, Ban Tôn giáo Chính phủ…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc cho biết: Trong những năm qua, tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Kon Tum cơ bản ổn định, không xảy ra vụ việc, vấn đề phức tạp tạo “điểm nóng” hoặc gây dư luận xấu trong nhân dân. Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân tộc thiểu số, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được chú trọng thực hiện; công tác hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm sau tác động của dịch COVID-19, bảo trợ xã hội, bảo vệ trẻ em và các nhóm người dễ bị tổn thương, người có công đạt nhiều kết quả tích cực.
Bà Y Ngọc đánh giá, đây là hội nghị quan trọng để bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là lãnh đạo, cán bộ trực tiếp chỉ đạo, tham mưu, thực hiện công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh, đồng thời phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với hoạt động lợi dụng, vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam.
Tại hội nghị, đại biểu được nghe báo cáo viên thông tin về các chuyên đề: Cơ chế Nhân quyền LHQ và những tác động tới tình hình nhân quyền Việt Nam. Thực tiễn công tác đấu tranh đối thoại về nhân quyền thông qua các diễn đàn song phương đa phương; Công ước CERD (Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc) và quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Vấn đề đặt ra trong xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số góp phần nâng cao dân trí, đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân; Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và một số kinh nghiệm trong công tác đấu tranh với hoạt động của các đối tượng theo đạo Tn lành chống phá Việt Nam.
Phát biểu bế mạc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc nhấn mạnh, công tác nhân quyền vẫn là hướng chủ đạo mà các thế lực phản động thù địch khai thác để gây sức ép, thúc đẩy các yếu tố “tự chuyển hóa” trong nội bộ và kích động số đối tượng chống đối. Vì vậy, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, nhất là cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo cần tập trung triển khai cả hai mặt công tác bảo vệ và đấu tranh vì quyền con người trên các lĩnh vực: nâng cao nhận thức, bảo đảm thúc đẩy quyền con người, thông tin - tuyên truyền về quyền con người và đấu tranh với âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ nhân quyền chống phá Việt Nam.
Đây là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Việc tập huấn nhân quyền cho đội ngũ cán bộ cơ sở cần được thực hiện thường xuyên để nâng cao và thống nhất nhận thức về vấn đề quyền con người. Công tác nhân quyền phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, giữ vững ổn định bên trong, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa để tạo cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh chống các luận điệu vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch.