Từ trước đến nay, khu vực kinh tế ngoài nhà nước luôn có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong GDP, trong đó quan trọng nhất phải kể đến là khu vực kinh tế cá thể.

Số liệu thống kê (bảng 1) cho thấy, tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng từ 47% năm 2005 lên 49% năm 2012.

Trong khu vực này, khu vực kinh tế cá thể đóng góp tỷ trọng cao nhất trong GDP (33%), cao hơn khu vực kinh tế nhà nước và cao hơn hẳn khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (18%).

Từ trước đến nay, khi nói đến khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, hầu hết các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách thường xem đó là khu vực kinh tế tư nhân mà hoàn toàn bỏ qua khu vực kinh tế cá thể, hầu như chưa có cuộc điều tra hoặc nghiên cứu nghiêm túc nào về khu vực kinh tế cá thể.

Tuy tỷ trọng đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiếm trên 40% tổng số vốn đầu tư nhưng tỷ trọng của khu vực này trong GDP chỉ chiếm 32%. Trong khi đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tuy tỷ trọng vốn đầu tư chỉ khoảng 38% GDP nhưng tỷ trọng giá trị gia tăng trong GDP lên đến 49%, riêng tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực kinh tế cá thể chiếm đến 33%.

Điều này khẳng định nền kinh tế Việt Nam không chỉ là nền kinh tế gia công mà còn rất manh mún; không một nước nào có thể phát triển nếu nền kinh tế dựa vào sản xuất gia công và cá thể nhỏ lẻ.

Thật đáng tiếc là từ năm 2005 đến nay, tỷ trọng này không những không giảm mà còn có xu hướng tăng lên, từ 32,1% năm 2005 lên 33,2% năm 2012.

Khu vực kinh tế ngoài nhà nước có tỷ trọng đầu tư trong 10 năm (2001-2010) hầu như thay đổi rất ít, không những không được ưu đãi gì về vốn mà còn phải vay ngân hàng với lãi suất cao, nhất là trong giai đoạn 2010-2012, có những lúc chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay lên đến hơn 10 điểm phần trăm, nhưng khu vực này có tỷ trọng đóng góp vào GDP nhiều nhất, có tốc độ tăng trưởng cao nhất và quan trọng hơn cả là tạo ra nhiều việc làm nhất.

Khu vực kinh tế nhà nước tuy có tỷ trọng đầu tư rất cao (56,6% và 44,7% trong hai giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010, bảng 2) nhưng tạo việc làm mới thậm chí âm. Nhìn vào tốc độ tăng trưởng của giá trị sản xuất và tốc độ tăng trưởng của giá trị gia tăng có thể thấy hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI và khu vực kinh tế nhà nước thấp hơn khu vực kinh tế ngoài nhà nước khá nhiều, mặc dù hai khu vực này được đủ mọi loại ưu đãi của chính sách.

Tính toán hiệu quả đầu tư từ hệ số ICOR (bảng 3) cũng cho thấy khu vực kinh tế ngoài nhà nước là khu vực có hiệu quả đầu tư cao nhất nhưng thật trớ trêu khu vực này lại là khu vực kinh tế khó tiếp cận nguồn vốn nhất.

Xu hướng chung cho thấy hiệu quả đầu tư của tất cả các thành phần sở hữu đều giảm sút, giảm sút mạnh nhất về hiệu quả đầu tư là khu vực kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việc giảm sút này, nguyên nhân chính do báo cáo lỗ giả nhưng lãi thật (chuyển giá) và phần giá trị gia tăng của khu vực này cơ bản là gia công nên hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp. Khu vực kinh tế ngoài nhà nước có hiệu quả đầu tư cao, hệ số ICOR tương đương các nước trong khu vực.

Khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng đóng góp lớn trong GDP, trong đó phần lớn nhờ khu vực kinh tế cá thể, đã chỉ rõ thực trạng thực sự của nền kinh tế còn manh mún.

Tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới vừa qua khiến hàng loạt doanh nghiệp ngoài nhà nước phải phá sản, các doanh nghiệp còn trụ lại được cũng đang rất khó khăn, quy mô ngày càng thu hẹp.

Các doanh nghiệp ngoài nhà nước mặc dù có tỷ trọng đóng góp GDP cao nhất, tạo ra được nhiều việc làm nhất, nhưng lại phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Họ vừa phải tìm mọi cách sống sót trong điều kiện nguồn vốn tín dụng vừa khó tiếp cận, vừa phải chịu lãi suất cao, trong khi lợi nhuận thấp khó bù đắp được chi phí vay ngân hàng. Chưa hết, khu vực kinh tế này còn bị các doanh nghiệp khu vực nhà nước và khu vực FDI chèn ép trong cuộc cạnh tranh không bình đẳng do các ưu đãi từ chính sách của Nhà nước.

Từ những phân tích trên có thể thấy cần thay đổi tư duy về xác định động lực mới, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới, đó là khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Từ đó, cần tư duy lại về phương thức tạo lập môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước tiếp cận đầu tư vào tất cả các lĩnh vực mà khu vực kinh tế nhà nước không nắm giữ nữa, với sự hỗ trợ đầu tư mồi của Nhà nước.

Chẳng hạn, đối với đầu tư hạ tầng dùng chung ở trong hàng rào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch theo hướng chuyên môn hóa sâu, những hạng mục đòi hỏi đầu tư lớn để đảm bảo về tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước, mà ở đây chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ có thể đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên môn hóa đó, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

{keywords}

 

{keywords}

 

{keywords}
  • Bùi Trinh - Nguyễn Huy Minh/ Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn