Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý đóng cửa biên giới khối với các nước bên ngoài trong vòng 30 ngày. Ở Mỹ, bang Tây Virginia là bang cuối cùng của nước này có báo cáo về ca nhiễm Covid-19, chính thức xác nhận bệnh dịch đã có mặt trên khắp nước Mỹ.
Sự lo ngại về nền kinh tế sụp đổ do nhiều nơi trên thế giời ngừng hoạt động vì dịch bệnh đang dần tăng lên. Mỹ, Anh, Hà Lan tuyên bố các khoản cứu trợ lên tới hàng trăm tỷ USD. AP nhận định, vào những ngày này, người lao động trên toàn cầu mới là những người chịu thiệt hại nhiều nhất.
Lực lượng an ninh Thụy Sĩ kiểm tra giấy tờ công dân Pháp tại biên giới hai nước. Ảnh: AP |
Miguel Aguirre cùng vợ và hai con nhỏ là những người duy nhất đi trên một con phố từng nhộn nhịp gần Tòa thị chính thành phố San Francisco, chỉ một ngày sau khi chính quyền thành phố này ban hành lệnh ‘tạm trú tại nhà’ yêu cầu người dân ở nhà trong ba tuần, và chỉ đi ra ngoài mua thực phẩm, thuốc men.
Anh Aguirre và vợ mình tất nhiên đã biết sắc lệnh trên, nhưng họ đều là lao công ở câu lạc bộ Boys and Girls,. Để có tiền thì họ cần phải đi làm. “Nếu chúng tôi không đi làm, chúng tôi sẽ không có tiền mua thực phẩm. Vào những ngày này nhiều lúc tôi muốn khóc, nhưng tôi vẫn phải tiếp tục đi làm thôi”, AP trích lời anh nói.
Trong khi đó tại Brussels, Bỉ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, khối này đã có ‘cách tiếp cận thống nhất và nhất trí’ cấm công dân các nước ngoại khối nhập cảnh vào EU trong vòng 30 ngày.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, các nhà lãnh đạo châu Âu trong một cuộc họp trực tuyến đã đồng ý với đề xuất cấm công dân ngoại khối nhập cảnh vào khối này, bao gồm cả các nước như Na Uy, Thụy Sĩ, Ai-len và Anh, chỉ có “một trường hợp ngoại lệ rất hạn chế”. Và nước Đức sẽ thực hiện việc này ngay lập tức. Tất nhiên điều này sẽ tạo ra “những hậu quả vô cùng nghiêm trọng” đối với các nền kinh tế châu Âu.
Hôm 16/3, EU đã đưa ra hướng dẫn tạo điều kiện cho các mặt hàng thiết yếu như lương thực và thuốc men tiếp tục được đưa ra thị trường, đồng thời giúp từng quốc gia trong khối hạn chế việc đi lại không cần thiết.
Nhưng tới ngày 17/3 thì hỗn loạn xả ra tại nhiều cửa khẩu biên giới ở châu Âu, khi phương tiện nối đuôi nhau kéo dài nhiều chục cây số.
“Đã ba ngày nay, chúng tôi cảm thấy khá tuyệt vọng, lạnh và mất ngủ. Chúng tôi chỉ muốn về nhà”, cô Janina Stukiene cùng chống và con trai đang bị kẹt ở biên giới Lithuania-Ba Lan cho biết.
Lượng xe tải mắc kẹt ở biên giới Đức kéo dài 40km. Ảnh: AP |
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã khiến kinh tế nhiều nước trên thế giới ‘điêu đứng’, buộc chính phủ các nước này phải đưa ra các gói cứu trợ khẩn cấp. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất khoản cứu trợ lên tới 850 tỷ USD, một khoản cứu trợ lớn chưa từng có kể từ cuộc đại suy thoái kinh tế năm 2008, và đề xuất Quốc hội nước này nhanh chóng phê chuẩn.
Ở Anh, chính phủ nước này cũng bàn về gói hỗ trợ kinh tế lớn. Thủ tướng Boris Johnson cho biết, chính phủ của ông sẽ “hành động như bất kỳ chính phủ nào trong thời chiến, và làm tất cả trong khả năng nhằm hỗ trợ nền kinh tế”.
Chính phủ Hà Lan cũng đưa ra các biện pháp cứu trợ khổng lồ nhằm vực dậy các doanh nghiệp nước này. Gói cứu trợ sẽ bao gồm trả 90% tiền lương cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì Covid-19 trong vòng ba tháng tới, cũng như hỗ trợ tài chính cho người lao động. Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra cho biết “hàng tỷ Euro đã được đưa ra để giúp các doanh nghiệp và người lao động tiếp tục làm việc”.
Tuấn Trần