Nền kinh tế Nga ở thời điểm hiện tại đã hoàn toàn hồi phục hay chưa? Đó là câu hỏi đang nhận được nhiều sự chú ý của không chỉ các chuyên gia mà còn của nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới. Kinh tế xứ sở bạch dương gần như chắc chắn đã vượt qua nguy cơ khủng hoảng và dần ổn định trở lại, nhưng liệu nó đã hồi phục hoàn toàn hay chưa lại là một câu chuyện khác.
Chắc chắn là so với giai đoạn trước khi các lệnh trừng phạt và giá dầu sụt giảm mạnh diễn ra, thì nền kinh tế Nga hiện nay chưa thể quay trở lại tình trạng ở thời điểm đó, nhưng một sự hồi phục hoàn toàn khi mà các dấu vết ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía phương Tây đã gần như đã không còn đang là một thực tế đối với kinh tế Nga ở thời điểm hiện tại. Con tàu kinh tế Nga sau một giai đoạn chệch choạc, giờ đây đã chính thức quay trở lại đường ray.
Theo đó, một sự kiện được coi như biểu tượng cho việc Nga đã hoàn toàn chấm dứt được các tác động từ lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây là quỹ dự trữ ngoại tệ của Nga trong tuần qua đã chính thức tăng lần đầu tiên kể từ tháng 7.2014. Sự sụt giảm của quỹ dự trữ ngoại tệ vốn được coi là biểu tượng cho tình trạng của kinh tế Nga trong suốt gần một năm qua kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra.
Lãnh đạo Nga còn nhiều việc phải làm để khôi phục kinh tế |
Khi phương Tây bắt đầu lệnh trừng phạt và giá dầu sụt giảm mạnh thì tốc độ sụt giảm của quỹ dự trữ ngoại tệ của xứ sở bạch dương cũng diễn ra theo chiều hướng tỷ lệ thuận. Tổng cộng quỹ dự trữ ngoại tệ của Nga đã sụt mất gần ¼ để chống đỡ với các tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế do tác động tổng hợp từ các lệnh trừng phạt kinh tế và giá dầu sụt giảm mạnh.
Sở dĩ như thế, là vì lý do quan trọng hàng đầu khiến quỹ dự trữ ngoại tệ của Nga giảm mạnh trong giai đoạn từ tháng 7 đến hết tháng 12.2014 là do ngân hàng trung ương Nga buộc phải bơm USD với tần suất và cường độ lớn để ngăn chặn đà mất giá của đồng Rup đã có thời điểm trở thành đồng tiền có tốc độ mất giá nhanh nhất thế giới. Nhưng đến khi điện Kremlin và ngân hàng trung ương Nga đều hiểu rằng họ sẽ không thể ngăn chặn đà lạm phát và mất giá của đồng Rup bằng cách sử dụng ngoại tệ trong quỹ dự trữ theo kiểu tát nước như thế thì phương án sử dụng công cụ lãi suất đã được tính đến.
Thống đốc ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina được sự hậu thuẫn của tổng thống Vladimir Putin với một đường dây riêng đến văn phòng tổng thống trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, đã nâng lãi suất lên một mức khiến nhiều nhà phân tích sửng sốt là 17%, và lãi suất mà chính các chuyên gia kinh tế Nga cũng coi là cao một cách phi lý này đã chặn đứng đà mất giá của đồng Rup và tốc độ lạm phát trong nước.
Nhưng không vì thế mà quỹ dự trữ ngoại tệ của Nga được yên thân. Tiền trong quỹ dự trữ vẫn được bơm ra, không phải để giữ giá đồng Rup như trước mà là để hỗ trợ hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp Nga bị ảnh hưởng bởi lãi suất quá cao, nhưng với cường độ đã không còn cao như khi Nga bơm USD ra để giữ giá đồng Rup. Quỹ dự trữ vẫn là nguồn cung tài chính chủ yếu cho các hoạt động hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ Nga.
Dù tốc độ hao hụt quỹ dự trữ đã không còn lớn như trước, nhưng các mệnh lệnh trong đó hạn chế đến mức tối đa sử dụng nguồn tài chính thuộc quỹ dự trữ vẫn được điện Kremlin ban ra, trong một động thái bất ngờ thủ tướng Nga Medvedev tuyên bố chính phủ sẽ hạn chế chi tiêu để tiết kiệm tiền cho các hoạt động cứu trợ hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp.
Cùng với đó là việc tái cơ cấu lại khoản trái phiếu Mỹ trị giá 131 tỷ USD mà Nga đang nắm giữ xuống còn 82 tỷ USD để chuyển sang dự trữ bằng vàng và đồng Euro và điều này giúp cho quỹ dự trữ của Nga tăng thêm 1,2 tỷ USD. Tất cả những điều này chỉ giúp cho quỹ dự trữ tài chính lớn nhất của Nga chỉ bớt suy giảm mạnh hơn trước chứ không thể khiến nó không còn hao hụt nữa.
Chính vì vậy, việc quỹ dự trữ ngoại tệ của Nga tăng lần đầu tiên từ tháng 7.2014 trong tuần trước được coi như một biểu tượng cho việc nền kinh tế Nga đã gần như hoàn toàn ổn định. Nó đồng nghĩa với việc chính phủ Nga giờ đây hoặc là không cần sử dụng quỹ dự trữ cho các hoạt động hỗ trợ nền kinh tế, hoặc là nguồn thu của Nga giờ đây đã vượt mức chi cần thiết cho các hoạt động hỗ trợ tài chính của chính phủ. Chính phủ Nga giờ đây đã có thể tiến hành các hoạt động phát triển kinh tế mà không còn cần đến nguồn tài chính từ quỹ dự trữ nữa.
Trên thực tế, đây là điều đã được dự đoán trước khi mà Nga liên tiếp có hai phiên điều chỉnh giảm lãi suất từ 17% xuống còn 14% ở thời điểm hiện tại. Lãi suất được điều chỉnh giảm hai lần liên tiếp có nghĩa là nguy cơ từ hệ thống ngân hàng đã giảm đi đáng kể đủ để tiến hành các hoạt động cho vay mà không gặp phải vấn đề nghiêm trọng.
Và khi mà hệ thống ngân hàng đã ổn định thì điện Kremlin cũng không cần phải lấy ngoại tệ trong quỹ dự trữ để hỗ trợ hệ thống ngân hàng nữa. Hơn nữa, việc quỹ dự trữ tăng lên còn có nghĩa là ngân hàng trung ương Nga có thể tiếp tục giảm lãi suất xuống thấp hơn nữa để kích thích hồi phục kinh tế trong nước một cách mạnh mẽ hơn.
Dĩ nhiên là kinh tế Nga vẫn chưa thể hồi phục lại nguyên trạng giai đoạn trước khi các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây diễn ra, vì các lệnh này hiện vẫn chưa được dỡ bỏ và vẫn đang gây ảnh hưởng xấu đến thương mại và nền kinh tế của Nga và phương Tây. Nhưng nó cũng được coi là biểu tượng cho việc các hậu quả xấu đến nền kinh tế xứ sở bạch dương do các lệnh trừng phạt đã hoàn toàn chấm dứt và nền kinh tế Nga đang quay trở lại đường ray để vận hành một cách trơn tru tính từ thời điểm hiện tại.
(Theo Bloomberg/ Một thế giới)