Off thì bảo toàn nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, các kế hoạch. On là sẵn sàng “mở cửa”, tận dụng tối đa các cơ hội để bật lên trên.
‘Bay’ xuyên đại dịch
Cuối tháng 12/2021, FLC đã khánh thành Tổ hợp Khách sạn và Trung tâm hội nghị quốc tế FLC Vĩnh Phúc với quy mô 2.000 chỗ cùng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao 200 phòng. Đáng nói, công trình nghìn tỷ này được thi công trong 10 tháng của 2021 xuyên qua những đợt dịch lớn. Cũng trong năm nay, tận dụng giữa những đợt giãn cách, FLC đã khởi công giai đoạn 2 FLC Quảng Bình: Khởi công Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp FLC Hà Giang; Khởi công quần thể FLC Gia Lai và đưa vào vận hành khách sạn 5 sao thứ 3 tại Quy Nhơn (Bình Định)….
Trong 2021, Bamboo Airways đã thực hiện chuyến bay thẳng không dừng kết nối Việt Nam và Mỹ. Hãng đồng thời công bố đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước chuẩn bị cho việc mở đường bay thẳng thương mại thường lệ tới Mỹ. Sau đó, Bamboo Airways liên tiếp công bố đường bay thẳng thường lệ Việt Nam – Vương quốc Anh dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính Phủ; công bố đường bay thẳng thường lệ Việt Nam – Australia để chuẩn bị khai thác thị trường châu Âu, châu Đại Dương sau đại dịch.
Đối mặt với nhiều khó khăn dịch bệnh nhưng không chỉ dừng ở 'nằm im và khôi phục', Công ty CP Stavian Hóa chất vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng hoạt động phân phối hạt nhựa nguyên sinh và sản xuất bao bì sinh học tự hủy. Stavian Hóa chất cũng đã vươn tới thị trường ở khắp các châu lục như châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ.
Cũng với tinh thần đó, trên sàn chứng khoán những ngày cuối năm đã có nhiều DN báo lãi lớn sau 1 năm vượt dịch thành công. Nhà sản xuất đá granit nhân tạo hàng đầu thế giới của Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng thị trường ở Mỹ và Canada, đầu tư thêm năng lực sản xuất để cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc trên thị trường Mỹ để mang về hơn 2.100 tỷ lợi nhuận.
Hay như, Đạm Phú Mỹ (DPM) đạt lợi nhuận trước thuế năm 2021 ước đạt kỷ lục 3.600 tỷ đồng. PVTrans (PVT) ước lợi nhuận trước thuế năm 2021 xấp xỉ 1. 000 tỷ gấp đôi kế hoạch đề ra.
Chia sẻ về 1 năm đầy biến động, đại diện Stavian Hóa chất cho biết, trước những đợt dịch khốc liệt, DN không tránh khỏi khó khăn, như vật tư nguyên liệu đầu vào bị hạn chế, giá cả biến động khó lường, thiếu nhân công... nhưng dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng không thể dừng lại. Trong dịch bệnh phải nỗ lực nhiều hơn để giữ được vị trí là DN Việt đứng số 1 về phân phối hạt nhựa Đông Nam Á, cũng là hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất bao bì tự hủy sinh học.
Trong khi đó, với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC - Chủ tịch Bamboo Airways thì luôn được nhiều người đặt câu hỏi: tình hình FLC ra sao?
Thích ứng an toàn với dịch bệnh là con đường Việt Nam phải đi sau khi đã tiêm phủ vắc xin. |
“Tôi trả lời là FLC chịu ảnh hưởng rất lớn nhưng đến hiện tại vẫn kiểm soát rất tốt. Với chúng tôi những gì xấu nhất đã qua”, ông Quyết nói.
Một câu trả lời đầy lạc quan dù thực tế từ 2020 đến nay, các ngành nghề cốt lõi của FLC như bất động sản nghỉ dưỡng và hàng không, du lịch… chịu thiệt hại nặng nề nhất, thậm chí ảnh hưởng ở mức độ toàn cầu.
“Năm 2020 dịch bệnh đến bất thình lình và hầu như không có một phương án chuẩn bị nào để tiên liệu trước, từ nhà nước đến người dân. Giống như bão, thiên tai địch họa đến gấp không có sự chuẩn bị. Máy bay dừng bay bất thình lình, khách sạn đóng cửa. Hầu như doanh nghiệp nào chịu ảnh hưởng của dịch cũng phải chứng kiến dòng tiền đứt gãy”, ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ
“Khủng hoảng dịch bệnh đã cuốn sạch thành tựu phát triển của ngành du lịch, hàng không nói chung trong nhiều năm. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy dịch bệnh cũng chính là một cơ hội để chuẩn bị, chuẩn chỉnh lại mọi mục tiêu, kế hoạch. Chỗ nào còn yếu kém thì khắc phục, mọi cái đều phải bài bản hơn trước”, ông Quyết nhấn mạnh
Không thể kéo dài tình trạng ON - OFF
Chia sẻ cách thức để vượt bão Covid-19, ông Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh đến việc “kích hoạt tinh thần thời chiến trong quản trị doanh nghiệp và chuyển đổi linh hoạt giữa hai chế độ ON (mở cửa) và OFF (giãn cách)”.
Du lịch hứa hẹn sẽ hồi phục sau khi vắc xin đã được tiêm chủng rộng rãi. |
Dịch bệnh ở Việt Nam đặt doanh nghiệp luôn trong tình trạng ON - OFF. Nếu DN cứ đóng cửa hoàn toàn thì không thể ứng phó được mà phải tìm cách ứng biến như thời chiến. Tức là ở tình trạng OFF thì bảo toàn nguồn lực, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, các kế hoạch.
“Ở tình trạng ON, là luôn sẵn sàng 'mở cửa' ngay sau mỗi lần giãn cách qua đi; tận dụng tối đa các cơ hội được đi lại để tiếp sức cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, ngay sau khi được mở cửa, FLC phản ứng rất nhanh và phục hồi rất tích cực trên mọi lĩnh vực”.
Chuẩn bị cho chặng đường sắp tới, khi dịch bệnh vẫn là mối quan ngại hàng đầu, ông Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh: "Chỉ với nền kinh tế không đứt gãy, chúng ta mới có đủ nguồn lực lâu bền chống dịch"
“Trong bối cảnh diễn biến Covid trên thế giới và Việt Nam vẫn còn phức tạp, chúng tôi cho rằng sự ổn định của kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố, đồng thời nhiều vấn đề cốt lõi sẽ được thúc đẩy để trở thành động lực cho tiến trình cải cách mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2022, tạo đà cho sự tăng trưởng bền vững của nhiệm kỳ mới”, lãnh đạo FLC hy vọng.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng. DN hiện nay không chỉ khó khăn về phòng chống dịch bệnh mà còn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. “Chính phủ đang trình Quốc hội gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, tôi cho rằng đây là gói hỗ trợ hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp cần tiếp tục được miễn, giảm thuế phí; cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ kéo dài đến hết năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn lãi suất thấp... ”.
Ông Trịnh Văn Quyết cũng mong đợi một chương trình tổng thể để phục hồi kinh tế, trong đó hệ thống các tiêu chí hoạt động có tính khoa học và định lượng, để doanh nghiệp nói riêng và chuỗi cung ứng nói chung có thể căn cứ vào "hành lang" rành mạch và rõ ràng đó để nỗ lực hoạt động an toàn trong hoàn cảnh còn dịch. Bởi khi chống dịch là lâu dài, thì chỉ với nền kinh tế không đứt gãy, chúng ta mới có đủ nguồn lực lâu bền chống dịch.
Về mặt vĩ mô, DN tiếp tục tin tưởng và kỳ vọng chất lượng điều hành của các cấp quản lý ngày càng nâng cao; có những quyết sách đi vào thực chất để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, cởi mở hơn nữa nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư đang dịch chuyển.
“Đây có lẽ cũng là kỳ vọng của hàng ngàn DN đang có những giấc mơ lớn, hoài bão lớn, với mong muốn đóng góp thêm một phần sức lực để xây dựng đất nước hùng cường, phát triển thịnh vượng trong bối cảnh mới”, ông Trịnh Văn Quyết chia sẻ.
Lương Bằng
Kinh tế xuống đáy 'chữ U' và nỗi lo lỡ nhịp
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, hàng trăm nghìn DN gặp khó khăn khi khởi động lại sản xuất kinh doanh sau giãn cách. Bị thiếu dòng tiền, thiếu đầu ra trong khi chi phí đầu vào tăng.