- Vợ chồng tôi lấy nhau đã được 10 năm và có 2 cháu trai, cháu lớn học lớp 4, cháu nhỏ học lớp 1. Điều kiện kinh tế của cả 2 bên nội, ngoại nhà chúng tôi đều bình thường. Vì thế, vợ chồng tôi phải tự bươn chải cuộc sống của mình.
Tôi làm hộ lý tại 1 bệnh viện tuyến huyện, lương ba cọc ba đồng. Chồng tôi làm việc tại một nhà máy liên doanh với Đài Loan. Những năm trước, khi kinh tế còn chưa bị suy thoái, công ty của chồng tôi làm ăn được, chồng tôi cũng chịu khó làm thêm giờ nên thu nhập cũng ổn định. Kinh tế gia đình tuy không thể coi là khá giả nhưng cũng đủ để nuôi con ăn học, lâu lâu cũng có1 chút tiền tiết kiệm dành lúc khó khăn.
2 năm trở lại đây, công ty anh làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng, có những tháng chỉ làm việc có 2 tuần. Vì thế, thu nhập của anh chỉ trông chờ vào khoản lương cứng gần 4 triệu 1 tháng. Hai đứa con đang tuổi lớn, chi phí ăn uống, học hành mỗi ngày một nhiều. Thu nhập lại giảm đi nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Tôi đã phải hạn chế chi tiêu, không dám chơi bời, mua sắm gì. Tuy vậy, số tiền tiết kiệm ít ỏi trước kia cũng dần hết mà vẫn thường xuyên lâm vào cảnh “giật gấu vá vai”, có những lúc phải lấy tiền ở chỗ này đập vào chỗ kia để tiêu tạm, chờ lương tháng có lại hoàn trả.
Có lúc tôi nghĩ: chẳng may gia đình có chuyện gì cần đến tiền thì không biết chạy đâu. Công việc tại bệnh viện chiếm hầu hết thời gian mà tôi cũng không có thêm nghề khác để làm. Hơn nữa, hết giờ làm là quay ra đón con, về nhà lại chui vào bếp, ăn uống xong lại kèm con học, thời gian rảnh chẳng có bao nhiêu, chỉ đành tranh thủ những buổi làm ngoài giờ ở viện để kiếm thêm thu nhập nhưng cũng chẳng đáng là bao.
Nhiều lần tôi đã nói chuyện với chồng, khuyên anh nên đổi việc hoặc làm thêm gì đó ngoài giờ. Vì anh là thợ hàn, có tay nghề khá nhưng anh chỉ ậm ừ rồi đâu lại hoàn đấy. Bởi vì công việc và môi trường hiện nay anh đã quá quen thuộc. Chuyển chỗ làm phải bắt đầu lại nhiều thứ nên anh ngại. Mở cửa hàng làm cơ khí thì anh lo lỗ. Anh đòi hỏi sự “an toàn” cao quá nên tôi cũng đành hết cách.
Nhiều lúc tôi thấy chán nản với cuộc sống phải đắn đo từng đồng, từng hào như thế này và muốn buông xuôi, nhưng nghĩ đến con tôi lại không nỡ. Hơn nữa, chồng tôi cũng không phải là người ham chơi bời, rượu chè gì, hết giờ làm là anh về nhà, thú vui của anh chỉ đơn giản là nuôi gà chọi. Anh cũng chi tiêu tiết kiệm, không phung phí tiền bạc. Có điều anh thích cuộc sống“an phận” như này trong khi tôi không biết mình có thể cố gắng được trong bao lâu nữa.
Tôi phải làm thế nào để giải quyết bài toán này? Không thể chi tiêu tiết kiệm được mãi vì thu nhập có đủ sống đâu. Làm sao để khuyên chồng thay đổi cách nghĩ của mình đây?
Lan Anh
Bạn đọc có thể chia sẻ tâm sự của mình về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống cho chuyên mục Chuyện chung, chuyện riêng. Bài viết gửi về địa chỉ [email protected]