Diễn đàn Xu hướng phát triển nội dung hoạt hình và cơ hội tại thị trường Việt Nam vừa diễn ra tại TPHCM. Sự kiện thuộc khuôn khổ Triển lãm quốc tế về Phim và Công nghệ truyền hình tại Việt Nam (Telefilm 2024). 

Diễn đàn cung cấp thông tin, số liệu về xu hướng phát triển của hoạt hình quốc tế và Việt Nam trong những năm gần đây. Các đại biểu có chung nhận định hoạt hình là lĩnh vực tiềm năng. Trong đó, Việt Nam có đủ năng lực để phát triển mạnh mẽ trong sản xuất lẫn phân phối nội dung hoạt hình, đặt dấu chấm trên bản đồ phim hoạt hình thế giới.

Giấc mơ về Disney của Việt Nam

batch_ddz5515939825039_9922a347b4afbd354a89e0bb880d4e65.jpg
Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phát biểu khai mạc. 

Theo bà Trần Thị Lan Chi - Giám đốc phân phối nội dung Sconnect Việt Nam, chuyên trang MarketResearch.biz thống kê năm 2023 thị trường ngành hoạt hình đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ với tổng doanh thu trị giá 412,96 tỷ USD và ước tính sẽ tăng lên 779 tỷ USD vào năm 2032. Riêng hoạt hình 3D ước đạt 47 tỷ USD vào năm 2030. 

Tại Việt Nam, lĩnh vực này dần cho thấy tiềm năng, kỳ vọng bước tiến dài cho sự phát triển. Nhiều doanh nghiệp bước vào cuộc chơi với các sản phẩm chất lượng đang dần chinh phục khán giả thế giới. 

Các tác phẩm hoạt hình nổi bật gắn mác Việt phải kể đến như: Wolfoo, Trạng Quỳnh thời nhí nhố, Thỏ bảy màu, Lớp học mật ngữ… 

Trong đó, chú sói nhỏ Wolfoo thu hút sự yêu thích và quan tâm của hàng trăm triệu trẻ em thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam.

anhthay.jpg
Sói Wolfoo - bộ phim hoạt hình Việt nổi tiếng đạt tỷ view. 

Wolfoo được mệnh danh là chú sói “tỷ view” với hơn 4.000 tập phim ngắn phát sóng trên YouTube, bình quân 4 tỷ view/tháng, 3 nút kim cương trên YouTube, được dịch ra khoảng 20 ngôn ngữ.

Qua đó để thấy việc tạo dựng nhân vật hoạt hình cho Việt Nam bước đầu đã tạo được dấu ấn rõ nét. 

Các chuyên gia chỉ ra yếu tố thuận lợi cho lĩnh vực hoạt hình trong nước như: Năng lực sáng tạo của người Việt; nguồn nhân lực dồi dào, đòn bẩy công nghệ 4.0 và cuối cùng là tận dụng nền tảng thương mại online như: YouTube, Netflix…

Ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam gọi đây là mong mỏi của các nhà làm lĩnh vực hoạt hình trong nước với giấc mơ lớn mang tên "Disney của Việt Nam".  

batch_ddz5515938996560_59b8402eb4c2d4b6a6da42a3b2518f21.jpg
Ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Câu lạc bộ Liên minh sáng tạo nội dung số Việt Nam DCCA. 

Giấc mơ này được hiểu là việc sáng tạo ra các bộ nhân vật hoạt hình được yêu thích trên toàn thế giới, các sản phẩm chất lượng cao mang giá trị giáo dục và giải trí. Đồng thời đơn vị cần có sự thấu hiểu, đồng hành và phát triển cùng khách hàng trên phạm vi toàn cầu. 

Hoạt hình và những con số trăm tỷ

Tại thị trường rạp chiếu Việt Nam, điều dễ nhận thấy thị phần phim hoạt hình, anime chiếm tỷ lệ khá nhiều cả về số lượng lẫn doanh thu. 

Mới đây nhất, phim hoạt hình Doraemon: Nobita và bản giao hưởng Địa Cầu cán mốc 110 tỷ đồng – con số “khủng” nhất trong các phần về Doraemon. Một phim hoạt hình khác cũng đang gây chú ý là Garfield: Mèo béo siêu quậy

Sắp tới, rạp Việt chứng kiến loạt dự án hoạt hình đổ bộ phòng vé trong mùa phim hè. Sau Doraemon, Inside Out 2 (Những mảnh ghép cảm xúc) - dự án của Disney/Pixar - trở lại vào giữa tháng 6, được dự đoán gây sốt nhờ phần đầu tạo tiếng vang. Despicable Me 4 (Kẻ trộm mặt trăng) ra mắt đầu tháng 7 cũng hứa hẹn gây bão phòng vé. 

batch_dddoraemon nobita va ban giao huong dia cau poster.jpg
Phim về chú mèo máy Doraemon đạt doanh thu khủng chưa từng có tại Việt Nam. 

Thể loại hoạt hình đến từ các thương hiệu lớn luôn tạo ra lợi nhuận khả quan mỗi lần ra rạp. Trong khi chính các dự án từ nước ngoài mang lại nguồn thu khổng lồ, điều này càng khơi dậy khát khao của các nhà làm phim hoạt hình Việt. 

Dù có tiềm năng lẫn cơ hội phát triển thế nhưng các chuyên gia nhận định việc phát triển lĩnh vực hoạt hình trong nước là điều không dễ dàng ở thời điểm hiện tại.

Theo báo cáo, lĩnh vực hoạt hình đang bị chi phối chính bởi thị trường Bắc Mỹ. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tăng trưởng nhanh, dẫn đầu là Nhật Bản với loại hình anime nổi tiếng, kế đến là Trung Quốc. 

Ông Tạ Mạnh Hoàng cho rằng muốn ngành phát triển cần có sự đồng bộ của rất nhiều yếu tố. Trong đó, đội ngũ liên quan đến sáng tạo, viết kịch bản, tạo hình, chuyển động… cần đủ chuyên môn, kiến thức. Bên cạnh đó, các yếu tố âm nhạc, lồng tiếng đều phải được đầu tư bài bản. 

Kinh phí, nhân lực và thị trường là trở ngại lớn

3 yếu tố lớn thách thức cho ngành hoạt hình lúc này là: kinh phí đầu tư lớn, nhân sự và hoạt hình Việt Nam chưa tạo được thị trường lớn để mang lại doanh thu khủng như các nước trên thế giới. 

“Để tạo ra một tác phẩm hoạt hình hay chi phí đắt đỏ hơn rất nhiều so với một phim điện ảnh. Nếu phim điện ảnh chi phí phần lớn đổ vào diễn viên thì lĩnh vực hoạt hình đặc thù sẽ tốn kém về thiết bị, máy móc và cả con người. Tất cả điều đó khiến chi phí đội lên, bên cạnh yếu tố chuyên môn đồng đều ở tất cả các khâu”, ông Hoàng nói. 

Cũng theo ông Hoàng, việc kinh doanh và phát triển về doanh thu trong hoạt động của phim hoạt hình ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều cơ hội. 

batch_ddz5515939001306_ea7e74d8ac72c24d0dac9436356a03ab.jpg
Các đại biểu trao đổi ý kiến trong buổi diễn đàn. 

Giai đoạn này được xác định tìm đường để nhìn ra được mô hình kinh doanh mở rộng, sáng tạo. Chẳng hạn, phim hoạt hình cần có một hệ sinh thái như: nhãn hàng, đơn vị phát hành, quảng cáo… để đảm bảo quá trình triển khai hiệu quả. 

Hoạt hình ngày nay còn phản ánh sự đa dạng văn hóa và phong phú về nội dung, từ những câu chuyện giáo dục cho trẻ nhỏ đến tác phẩm mang tính triết lý sâu sắc dành cho người lớn.

Sự thay đổi này không chỉ tạo nên trải nghiệm phong phú hơn cho khán giả mà còn thúc đẩy sự sáng tạo không ngừng của các nhà làm phim.

Trailer phim "Doraemon: Nobita và bản giao hưởng Địa Cầu"