Chỉ là chúng tôi đã sa vào những chì chiết, cãi vã, chiến tranh lạnh kéo dài quá lâu, khiến mối quan hệ rơi vào ngõ cụt. Chúng tôi chia tay khi con gái mới lên ba. Lỗi tất nhiên thuộc về cả hai người, nhưng hơn một năm trôi qua, khi đã bình tâm hơn, tôi không muốn kể lỗi ai khác nữa, mà nhận ra chính mình đã mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Tôi kể ra để cho nhẹ lòng và là bài học cho những ai mới hoặc sắp bước vào cánh cửa hôn nhân.
Sai lầm đầu tiên tôi vấp phải và cũng kéo dài đến tận ngày cuối cùng sống chung đó là luôn miệng chê bai, nói xấu mẹ chồng và gia đình chồng. Họ đã có những hành xử không tốt với tôi nhưng cách tôi phản ứng lại cũng không hề văn minh.
Tôi không tìm cách giải quyết mâu thuẫn trực tiếp với họ mà lại phàn nàn về họ với chồng mình. Ban đầu chồng cũ tôi còn ủng hộ và tìm cách giúp tôi hàn gắn với nhà chồng. Lâu dần anh ấy tỏ ra chán nản, bỏ hết ngoài tai. Tôi sau này mới hiểu họ là người thân, dù ai nói ngả nó nghiêng, dù họ có sai mười mươi, thì anh ấy mãi mãi sẽ không căm ghét, bỏ rơi họ. Những điều tôi làm chỉ đẩy tôi đứng về phe phản diện, ai có thể chung sống với một người suốt ngày dè bỉu gia đình mình?
Sai lầm thứ hai của tôi là quá chú trọng ngoại hình nhưng lại không trau chuốt lời ăn tiếng nói. Dù tôi có dưỡng cho làn da thật mướt, trang điểm, ăn mặc thật quyến rũ thì chồng cũng có thể tụt cảm xúc bất cứ lúc nào vì những câu nói động chạm.
Khi tán tỉnh, chồng cũ bảo rằng thích cái tính nói năng thẳng thắn, hồn nhiên, không khách sáo, đưa đẩy của tôi. Thực sự, hôn nhân không giống như yêu đương, vợ chồng nhiều khi cần phải "thảo mai" một chút với nhau, không phải là không thật lòng mà là thể hiện sự tôn trọng nhau. Giá mà chồng cũ góp ý rằng cái tính "phổi bò" của tôi đang làm cuộc hôn nhân xấu đi, hoặc chính tôi nhận ra điều ấy sớm hơn, thì đã không có những tổn thương lẫn nhau.
Với người ngoài, tôi có thể "uốn lưỡi bảy lần" trước khi nói sao cho vừa lòng họ vậy mà với bạn đời, tôi nghĩ sao nói vậy, toàn là suy nghĩ những lúc nóng giận, sân si nên lời nói hết sức mếch lòng dù rằng trong thâm tâm, tôi vẫn yêu, vẫn trọng người đàn ông ấy.
Lướt facebook, thấy đứa bạn được chồng đưa đi du lịch, mời cả bố mẹ đẻ cô ấy, tôi tặc lưỡi "Cái T lấy chồng giàu nó sướng thế đấy, bao cả nhà đi du lịch sang chảnh, chứ đâu như em". Chồng cũ im lặng không nói gì. Cãi nhau, tôi lôi chuyện từ đời nảo đời nào khi chồng cũ bị cắt giảm nhân sự ra châm chọc "nếu anh thực sự tài giỏi thì vì sao ngày xưa anh bị công ty kia sa thải". Anh ấy lại im lặng. Nhiều lần im lặng như vậy nối tiếp nhau, xếp dài, tôi cứ nghĩ sự im lặng ấy nghĩa là mình đã thắng. Nào ngờ, là thua đau, thua đớn. Thắng một cuộc cãi vã mà để bạn đời găm lấy dằm trong tim thì thắng làm gì?
Một sai lầm nữa của tôi là khiến hạnh phúc của mình phụ thuộc quá nhiều vào chồng cũ. Anh ấy ở nhà thì tôi vui vẻ, ra ngoài đi nhậu hoặc có công chuyện về muộn thì tôi đứng ngồi không yên. Lúc nào anh ấy chịu khó ra dáng "soái ca" thì tôi hí hửng chụp ảnh đăng facebook khoe với thiên hạ, còn nếu chồng cũ không làm theo ý mình thì tôi cằn nhằn, so sánh với chồng người khác.
Có lẽ tôi đã tạo cho anh ấy quá nhiều áp lực, phải làm một người chồng hoàn hảo theo chuẩn mực của tôi, phải mang lại niềm vui cho tôi. Tôi đáng ra nên tự lập hơn trong cảm xúc, biết tạo cho mình những thú vui, sở thích riêng thì đã không có nhiều thời gian soi mói, đổ lỗi cho chồng cũ.
Gương vỡ giờ chẳng thể lành. Có nhiều lý do khiến chúng tôi không thể quay lại dù tôi đã nhận ra sai lầm của mình. Người chịu thiệt thòi nhất cuối cùng lại chính là con cái.
Hy vọng những ai còn có tổ ấm nguyên vẹn xin hãy trân trọng và thường xuyên nhìn lại chính mình, hỏi han cảm nhận của người bạn đời về mình, để có cách điều chỉnh cho hòa hợp.
5 cách mở cánh cửa hôn nhân khi thất vọng vì chồng
Nhiều phụ nữ lấy chồng nhưng chỉ một thời gian ngắn họ đã thất vọng vì chồng và cuộc hôn nhân. Chuyên gia chỉ 5 cách mở cánh cửa hôn nhân khi thất vọng về chồng.
Theo Dân Trí