Vào mùa mưa, các đoạn đường trơn trượt là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn. Dưới đây là những cách xử lý tình huống khi ô tô bị trượt giúp người lái nhanh chóng lấy lại cân bằng và kiểm soát xe.
1. Xe bị trượt bánh
Hiện tượng trượt bánh xe thường xảy ra khi cố tăng tốc hay nhấn mạnh ga để thoát ra khỏi vũng lầy; các bánh xe bị trượt và quay nhanh hơn tốc độ di chuyển thông thường.
Cách xử lý chỉ cần rà phanh kết hợp giảm ga, hệ thống kiểm soát độ bám đường sẽ can thiệp giúp xe lấy lại cân bằng. Tuy nhiên, đối với một số dòng xe không được trang bị hệ thống cân bằng xe trên thì nên nhả luôn chân ga, rà nhẹ phanh; Nếu xe đang đi trong địa hình cát, bùn lầy nên đạp ga từng nhịp kết hợp đánh tay lái qua lại chậm rãi để bánh xe lấy lại độ bám và nhanh chóng thoát ra.
2. Xe bị khóa bánh
Hiện tượng khóa bánh xảy ra khi phanh xe mạnh và đột ngột; bánh xe sẽ ngừng quay nhưng do lực quán tính nên xe vẫn bị trượt về trước.
Lúc này cần nhả phanh hoàn toàn, phanh lại chậm rãi và nhẹ nhàng... Trên những đoạn đường trơn trượt, khóa bánh thường xảy ra; khi đột ngột phanh từ 0 lên 50% bánh xe sẽ tự động khóa, nhưng khi phanh từ từ vẫn có thể vượt qua ngưỡng 50% mà bánh xe không bị khóa.
3. Trượt do thiếu lái
Thiếu lái là hiện tượng khi vào cua đánh lái gấp khiến bánh trước mất độ bám đường, xe thường văng ra ngoài góc cua theo quán tính. Hiện tượng này dễ gặp phải trời mưa hay góc cua trơn trượt; nếu xe dẫn động cầu trước thì rất khó xử lý, với các xe AWD hoặc dẫn động bánh sau thì dễ xử lý hơn.
Cách tốt nhất trong tình huống này là nhả hoàn toàn chân ga, đạp nhẹ phanh một lực vừa đủ tránh trường hợp bánh xe bị khóa. Kết hợp động tác trả nhẹ lái mở rộng góc cua theo hướng quán tính để nhanh chóng lấy lại việc điều khiển xe. Tránh xử lý lung tung khiến xe trượt càng trượt thêm gây ra tai nạn đáng tiếc.
4. Trượt do thừa thừa lái
Hiện tượng thừa lái xảy ra khi bánh sau mất độ bám đường, phần thân sau xe bị trượt sang một bên; thường xảy ra trên những mẫu xe dẫn động cầu sau. Giải pháp xử lý là nhả chân ga, mắt nhìn về hướng muốn đi và nhẹ nhàng điều khiển vô-lăng theo hướng đó.
Hiện tượng này cũng xảy ra khi di chuyển quá nhanh và đạp phanh khi vào cua. Bánh sau bị trượt vì trọng lượng dồn quá nhiều vào bánh trước, áp lực đè lên bánh sau bị giảm; thường xảy ra với những mẫu xe có trọng lượng dồn nhiều vào bánh sau như xe bán tải... Thừa lái còn xảy ra khi xe xuống dốc tại khúc cua bởi cùng nguyên nhân trên.
5. Trượt qua lại (trượt “zigzag”)
Trượt qua lại là hậu quả từ việc xử lý không tốt ở tình huống thừa lái. Khi thừa lái xe sẽ bị trượt bánh sau và bạn xử lý bằng việc đánh lái lại lần thứ nhất, lúc này, nếu xoay vô lăng quá muộn hoặc quá nhanh xe sẽ bị trượt theo hướng ngược lại lần thứ 2, ở lần thứ 3 xe sẽ bị quăng đuôi với lực rất mạnh. Cuối cùng là một cú “chạm" vào bên lề đường hay chướng ngại vật nào đó.
Để xử lý tốt tình huống này phải nhanh nhạy đánh vô lăng theo hướng của lực quán tính đang đẩy xe đi trong lần thừa lái thứ nhất, sau đó trả nhẹ lái lại để giữ cho xe cân bằng ở 4 bánh. Cố gắng xử lý tốt khi xe bị thừa lái thì bạn sẽ không phải “đổ mồ hôi” với tình huống trượt “zigzag” tiếp theo.
(Theo Báo Nghệ An)