Chuyên đề “Đánh giá truyền thông các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch” vừa được công bố tại hội thảo mới đây ở Hà Nội.
Theo đó, các chính sách pháp luật của ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch thường có quy mô lớn về số lượng, đa dạng về hình thức, cấp độ (từ luật đến thông tư, phần lớn là thông tư).
Nội dung của chính sách pháp luật khá đa dạng, phức tạp, liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội và con người như tư tưởng, thẩm mỹ, tín ngưỡng…
Một số chính sách của ngành liên quan đến nhiều ngành khác và tác động vừa trực tiếp, vừa gián tiếp đến đời sống xã hội, cả trước mắt và lâu dài. Ví dụ chính sách hỗ trợ sáng tạo cho văn nghệ sỹ, hay chính sách tạo điều kiện về đất ở trong Luật Thể dục thể thao…
Đối tượng bị ảnh hưởng của chính sách pháp luật ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch bao gồm nhiều thành phần, từ tổ chức, gia đình, cá nhân…, trong đó có nhiều đối tượng đặc thù như: Văn nghệ sỹ, vận động viên, nghệ nhân…
“Chính sách của ngành mặc dù có tác động lớn nhưng lại chưa thiết yếu, trực tiếp, chưa nhận diện ngay được trong xã hội, từng nhà, từng người như đi lại, ăn mặc, ở, y tế, giáo dục… Có người còn ví von là chính sách “chưa cháy nhà, chết người” nên chậm một chút cũng được, ít một chút cũng xong, thuộc loại chính sách “mưa dầm thấm lâu””, đại diện Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phân tích.

Cũng chính vì đặc thù chính sách không tác động trực tiếp ngay mà âm thầm, bền bỉ qua thời gian, trong khi quãng đời của các chính sách lại có hạn, nên truyền thông chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật của ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
Những kết quả cụ thể sau một năm triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027" cũng đã được đại diện Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chia sẻ tại hội thảo.
Đáng chú ý là đã mở chuyên mục trên cổng thông tin điện tử, và trong 4 tháng đầu triển khai gần 50 tin bài về truyền thông chính sách, đánh giá tác động trọng tâm, chú trọng đối tượng, chuyên gia, đối thoại, diễn đàn.
Đánh giá về việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về văn hóa – thể thao và du lịch được chính quyền địa phương thực hiện, phần lớn các ý kiến cho rằng địa phương thỉnh thoảng thực hiện - 61%; 38,61% cho biết có tổ chức thường xuyên; cá biệt vẫn còn 0,39% cho biết không tổ chức.
Với thực tế vùng biên giới, những kênh chủ yếu mà người dân chủ động tìm kiếm, tiếp cận thông tin pháp luật là qua mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng; rất hiếm người tự tìm hiểu qua tủ sách pháp luật hoặc tự mua sách.
Qua khảo sát hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật về văn hóa thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc năm 2022 và 2023, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã rút ra một số kinh nghiệm.
Chẳng hạn, về phương thức truyền thông chính sách, nên lựa chọn phù hợp với nội dung, đối tượng, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin. Về nội dung truyền thông chính sách pháp luật, cần lựa chọn trúng, đúng nội dung phù hợp với đối tượng, phương thức, lấy đối tượng là trung tâm.
Để tìm được đối tượng truyền thông chính sách phù hợp, cần phân tích, đánh giá nhu cầu tìm hiểu pháp luật của đối tượng và mong muốn truyền thông của cơ quan quản lý.
Từ thực tiễn truyền thông chính sách pháp luật, nhiều khó khăn, hạn chế cũng đã được nhận diện.
Điển hình là việc phân loại, đánh giá chính sách vẫn chủ yếu dựa vào ý chí chủ quan của đơn vị chủ trì soạn thảo. Sự chủ động phối hợp của các cơ quan liên quan còn chưa cao, đặc biệt, sự liên thông các dữ liệu, kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan còn rời rạc.
Hoạt động truyền thông tập trung cho đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách vẫn còn cứng nhắc theo tiến độ, kế hoạch, thiếu sự linh hoạt.
Ngoài ra, nhân lực thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu kỹ năng truyền thông chính sách, chưa được tập huấn, bồi dưỡng và thiếu tài liệu hướng dẫn, dữ liệu liên quan.