Tại châu Á, các quốc gia, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan sớm nhận thấy tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ và gặt hái được thành tựu nổi bật. Nhờ đó, mặc dù không sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc nguyên liệu sẵn có, các nước này vẫn xây dựng được ngành công nghiệp có sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Nhật Bản được biết đến là quốc gia có chính sách hỗ trợ linh hoạt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực từ rất sớm.
Nhật Bản được biết đến với nhiều doanh nghiệp đạt tầm cỡ thế giới, như Toyota, Honda, Sony..., nhưng chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp của nước này và chủ yếu ở khâu lắp ráp, sản xuất cuối cùng. Phần lớn còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 70% lực lượng lao động của cả nước, chuyên sâu sản xuất các mặt hàng linh kiện và phụ tùng. Điều này cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ là nền tảng cơ bản của chuỗi giá trị công nghiệp, là trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản, với mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp lớn trong công nghiệp chế tạo. Nhận thức được tầm quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ Nhật Bản đã dành sự quan tâm đặc biệt cho lực lượng này với nhiều biện pháp linh hoạt.
Ngay từ những năm 40, ngành cơ khí ở Nhật Bản phát triển mạnh, kéo theo nhu cầu về đầu vào của các sản phẩm này tăng nhanh chóng, thúc đẩy doanh nghiệp lớn hợp tác với doanh nghiệp nhỏ hơn để cung cấp linh kiện. Năm 1949, Nhật Bản ban hành Luật hợp tác với doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm bảo vệ quyền lợi đàm phán của doanh nghiệp nhỏ, đồng thời tạo điều kiện tiếp cận công nghệ mới và nguồn vốn vay. Tiếp đó, Nhật Bản ban hành một loạt văn bản cụ thể đối với các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp lớn, như Luật Phòng chống trì hoãn thanh toán chi phí thầu phụ (năm 1956), Luật Cơ bản về doanh nghiệp vừa và nhỏ (năm 1963), Luật Xúc tiến doanh nghiệp thầu phụ vừa và nhỏ (năm 1970), Luật Thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trong kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (năm 1999), thành lập Viện Công nghệ và Quản lý kinh doanh nhỏ (năm 1973), Trung tâm Thông tin kinh doanh nhỏ (năm 1984). Đặc thù của ngành công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi nguồn vốn lớn và công nghệ cao, do đó chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nhật Bản tập trung vào hai mục tiêu chính là hỗ trợ tài chính và phát triển công nghệ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ có cơ hội vay vốn với lãi suất ưu đãi, mà còn được tạo điều kiện để tiếp cận và ứng dụng khoa học - công nghệ.
Trong giai đoạn hiện nay, chính phủ Nhật Bản tiếp tục duy trì nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển và thích ứng với thay đổi về kinh tế - xã hội. Trong các năm xảy ra đại dịch COVID-19, doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này được hưởng lợi từ các khoản vay “0 - 0”, nghĩa là không cần trả lãi hoặc gốc trong một khoảng thời gian được quy định. Khi thời hạn này kết thúc (được tính đến năm 2023), doanh nghiệp phải chi trả các khoản nợ nhằm tránh bị tăng khoản nợ. Những năm gần đây, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm, dân số suy giảm, đồng yên yếu khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chật vật hoạt động(1). Để ứng phó với bối cảnh mới, tháng 7-2024, chính phủ Nhật Bản nhận thức sẵn sàng đối mặt với thực trạng nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả buộc phải đi đến phá sản, phản ánh nhu cầu cấp thiết thay thế doanh nghiệp trì trệ bằng doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng(2). Sự thay đổi này có thể không diễn ra nhanh chóng, nhưng thể hiện bước tiến mới trong chính sách của Nhật Bản, vốn thường tránh việc phá sản và không ngại “hy sinh” năng suất để bảo vệ việc làm hiện có.
Có thể thấy, Nhật Bản chú trọng đổi mới chính sách bám sát tình hình thực tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động ổn định, tránh tác động xấu từ bên ngoài. Sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng góp phần quan trọng vào vị thế cạnh tranh của Nhật Bản trên trường quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô và điện tử.
Bên cạnh đó, với xuất phát điểm là một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, Nhật Bản nhận thức rõ vai trò của con người như một lợi thế cạnh tranh trong quá trình phát triển kinh tế. Sự phát triển kinh tế của Nhật Bản trên mọi lĩnh vực đều gắn liền với vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng không phải là ngoại lệ. Nhật Bản phát triển hệ thống giáo dục phổ thông tạo điều kiện để mọi người dân đều có thể tiếp cận, bắt đầu từ giáo dục tiểu học và mở rộng đến cấp trung học cơ sở, theo mô hình 6-3-3-4(3). Nước này còn chú trọng phát triển hệ thống cơ sở đào tạo nghề, không chỉ bổ sung cho giáo dục chính quy, mà còn mở ra cơ hội cho người dân không tham gia cấp đại học. Nhờ đó, Nhật Bản đã phát triển một nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng, góp phần vào sự thành công của nền kinh tế nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Hoàng Linh