Dưới đây là một số kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:
Mỹ: Thành lập hơn 1.800 chi nhánh hỗ trợ pháp lý miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ
Hoa Kỳ có gần 31 triệu doanh nghiệp nhỏ, chiếm 99% tổng số doanh nghiệp và 1/2 tổng lao động của khu vực tư nhân. Theo thống kê, mỗi năm, hơn 13 triệu doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với các vấn đề pháp lý nhưng chỉ khoảng 60% trong số đó lựa chọn thuê luật sư tư vấn để giải quyết vấn đề vướng mắc, ít hơn 20% đăng ký sử dụng dịch vụ pháp lý thường xuyên.
Để hỗ trợ về mặt pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ, Chính phủ liên bang và chính quyền các bang của Hoa Kỳ đã có một số biện pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ như sau:
Thứ nhất, thông qua Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp nhỏ của Hoa Kỳ (Small Business Administration hay SBA). Cơ quan này được thành lập và hoạt động trên cơ sở Đạo luật Doanh nghiệp nhỏ (Small Business Act) năm 1953, hoạt động chuyên trách với chức năng “giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ lợi ích của các mối quan tâm của doanh nghiệp nhỏ”.
Đến nay, SBA đã phát triển đáng kể về quy mô cũng như bề dày hoạt động; riêng về khía cạnh hỗ trợ pháp lý, SBA đã thành lập hơn 1.800 chi nhánh trải dọc Hoa Kỳ, thường xuyên cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí và đào tạo với chi phí thấp cho các doanh nhân mới và các doanh nghiệp nhỏ.
SBA tài trợ cho các Văn phòng SBA cấp quận và các tổ chức được SBA cho phép hoạt động để có thể đồng hành, giải quyết thắc mắc về khía cạnh pháp lý cho chủ doanh nghiệp nhỏ, đồng thời có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời về các chương trình hỗ trợ của SBA.
Các trung tâm được SBA tài trợ như Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp nhỏ (Small Business Development Centers), Cố vấn Kinh doanh SCORE (SCORE Business Mentoring), Trung tâm Tiếp cận Doanh nghiệp Cựu quân nhân làm chủ (Veterans Business Outreach Center), Trung tâm dành cho Doanh nghiệp Phụ nữ làm chủ (Women's Business Centers) cũng nhận đào tạo pháp lý miễn phí và hoặc đào tạo với chi phí thấp cho doanh nghiệp nhỏ. Các tổ chức kể trên đều được tổ chức dưới hình thức tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động độc lập với SBA.
Ngoài ra, SBA còn tổ chức hoặc liên kết tổ chức các khóa học, lớp tập huấn nâng cao hiểu biết pháp luật cho các doanh nghiệp nhỏ, giúp họ hiểu thêm về pháp luật kinh doanh của tiểu bang nơi doanh nghiệp hoạt động cũng như pháp luật kinh doanh liên bang.
Thứ hai, thông qua các đoàn luật sư, tổ chức dịch vụ pháp lý và luật sư. Các luật sư ở Hoa Kỳ được khuyến nghị theo các quy tắc đạo đức của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (American Bar Association - ABA) để đóng góp ít nhất 50 tiếng dịch vụ pro bono (cung cấp dịch vụ chuyên môn nghiệp vụ miễn phí nhằm hỗ trợ cho đối tượng yếu thế nào đó trong xã hội) mỗi năm. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ là một trong những đối tượng thụ hưởng của dịch vụ pro bono.
Những vấn đề được các đoàn luật sư tư vấn, hỗ trợ pháp lý như giúp xem xét các tài liệu pháp lý và trả lời các câu hỏi về đăng ký kinh doanh, thuế, cho thuê bất động sản, pháp luật lao động và các vấn đề pháp lý khác thường gặp đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ, luật lao động, mua sắm chính phủ (mua sắm công), hợp đồng thuê thương mại, sở hữu trí tuệ, thuế và các vấn đề pháp lý khác,...
Australia: Sinh viên ngành luật năm cuối được cử đi tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp nhỏ
Để nâng cao văn hóa pháp lý của các doanh nghiệp nhỏ và giúp họ tháo gỡ khó khăn, Chính phủ Australia đã thực hiện một số biện pháp hỗ trợ pháp lý sau:
Thứ nhất, tài trợ cho doanh nghiệp nhỏ sử dụng dịch vụ pháp lý trong bối cảnh đặc thù. Úc là một trong những quốc gia phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ các nạn cháy rừng, mà gần đây nhất là sự kiện Mùa hè Đen – mùa cháy rừng ở Úc từ năm 2019 đến năm 2020. Không chỉ thiên nhiên bị tàn phá, mà các doanh nghiệp nhỏ cũng phải đối mặt với những hệ quả kinh tế và pháp lý phát sinh từ vấn nạn này, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động tại bờ Đông.
Trước tình hình ấy, Chính phủ Úc đã cung cấp kinh phí hỗ trợ pháp lý cho các nhà sản xuất chính và doanh nghiệp nhỏ của bang New South Wales giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến nạn cháy rừng 2019 - 2020. Cụ thể, chủ doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn để hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh từ nạn cháy rừng bằng cách yêu cầu cá nhân, tổ chức tư vấn pháp luật làm thủ tục xin tài trợ từ Chính phủ từ 2.000-5.000 USD tùy theo tính chất vụ việc.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nhỏ có nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến cháy rừng, cá nhân, tổ chức tư vấn có thể yêu cầu kinh phí hỗ trợ riêng cho từng hạng mục và nguồn vốn bổ sung sẽ được cung cấp trong những trường hợp hợp lý. Như vậy, Úc là một trong các nước đã tung ra gói hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ khi đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với tình hình môi trường, kinh tế của quốc gia.
Thứ hai, thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ thông qua thiết chế Ombudsman (tạm dịch là Thanh tra Nghị viện) cho Doanh nghiệp nhỏ và Doanh nghiệp gia đình Úc (Australian Small Business and Family Enterprise Ombudsman - ASBFEO) để trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ đang gặp vấn đề trong các lĩnh vực liên quan đến sản xuất và kinh doanh nhưng chưa được nhà nước hỗ trợ, giải quyết đúng mực.
ASBFEO thực hiện vai trò hỗ trợ pháp lý bằng cách giới thiệu doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu được tư vấn pháp luật đến các tổ chức hỗ trợ pháp lý, luật sư hoặc công ty luật phù hợp. Ví dụ, bang Queensland có Hội Luật sư Queensland – trợ giúp doanh nghiệp trong việc tìm luật sư, công ty luật hoặc tư vấn cách thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án; hay ở khu vực phía Bắc nước Úc có đường dây hỗ trợ pháp lý cho tất cả mọi người không kể điều kiện tài chính của doanh nghiệp,…
Thứ ba, hỗ trợ pháp lý thông qua cung cấp dịch vụ pro bono cho các doanh nghiệp nhỏ. Tại Tây Úc, Chính phủ bang phối hợp cùng Cơ quan Phát triển doanh nghiệp nhỏ (Small Business Development Corporation, một cơ quan thuộc chính quyền bang Tây Úc) để giúp doanh nghiệp tiếp cận với pro bono bằng cách giới thiệu khách hàng tiềm năng đến Văn phòng luật John Curtin để được hướng dẫn cụ thể về các vấn đề họ gặp phải.
Ngoài ra, Trường Đại học Luật Curtin còn cử các sinh viên năm cuối, dưới sự giám sát bởi các luật sư hành nghề có trình độ, để thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho các doanh nghiệp nhỏ, giúp họ tiếp cận với lời khuyên pháp lý và các biện pháp khắc phục mà trước đây họ không có điều kiện chi trả.
Hàn Quốc hỗ trợ và đánh giá dựa trên dữ liệu
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật và các quy định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vùa (DNNVV) tương đối hoàn thiện và hiệu quả. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc phân định rất rõ các doanh nghiệp này theo từng ngành hoạt động, tôn chỉ mục đích (vì lợi nhuận hay mục đích xã hội) và các DNNVV có nằm trong một tập đoàn kinh tế nào hay đứng độc lập,... qua đó có những hỗ trợ pháp lý rất khác nhau.
Thứ nhất, Hàn Quốc đẩy mạnh các biện pháp và thực hiện một cách hợp lý việc quản lý các và các doanh nghiệp vừa và nâng cấp công nghệ và chất lượng, bao gồm cả việc cung cấp các chương trình hướng dẫn và đào tạo pháp lý về quản lý doanh nghiệp, công nghệ, thúc đẩy phát triển công nghệ và theo đuổi tiêu chuẩn hóa.
Thứ hai, thiết lập và vận hành hệ thống Quản lý Tích hợp cho Quy mô nhỏ và các Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp vừa. Thiết lập và vận hành một hệ thống quản lý tích hợp cho vừa và nhỏ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để tích hợp và quản lý dữ liệu hoặc thông tin trên tình trạng đơn đăng ký của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thông tin của các doanh nghiệp được dữ liệu hoá và phân loại rất chi tiết trước khi có những bước hỗ trợ tiếp theo.
Thứ ba, xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động hỗ trợ DNNVV. Để khảo sát hiện trạng, phân tích, đánh giá và cải thiện hiệu quả của các chương trình viện trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được quản lý thông qua hệ thống quản lý tích hợp. Có thể hiểu là các DN sau khi được hỗ trợ sẽ phải đánh giá, đo lường xem hiệu quả mang lại đến đâu để xác định các bước cải tiến cho quy trình tiếp theo, đồng thời kịp thời giải quyết những vướng mắc nếu có ngay lập tức.
Như vậy, Hàn Quốc xây dựng cơ chế để khảo sát, đánh giá lại các quy định của pháp luật một cách thường xuyên. Đây là hoạt động cần thiết cho quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật, là kênh để lắng nghe tiếng nói khách quan, đa chiều, thường xuyên từ doanh nghiệp để hoàn thiện quy định dựa trên thực tiễn khách quan, gián tiếp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện khảo sát, đánh giá,…