Kinh nghiệm lái xe trên những cung đường đèo dốc ở Tây Bắc

Một khúc cua nguy hiểm trên Quốc lộ 6 đoạn qua tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Minh Nguyễn.

Với địa hình cao, hiểm trở, việc lưu thông trên các tuyến đường ở các tỉnh Tây Bắc như một thử thách cho nhiều tài xế vì cung đường quanh co, dốc cao, đường hẹp, một bên là vách núi, một bên là vực sâu.

Bên cạnh đó, trên những tuyến đường này thường xuyên xuất hiện thời tiết xấu như mưa, bão, sạt lở, sương mù tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. 

Những ngày giữa tháng 3.2022, có mặt trên Quốc lộ 6 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Sơn La, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tuyến đường có nhiều khúc cua, đèo dốc dài rất nguy hiểm.

Để lái xe an toàn trên những cung đường này một cách an toàn, PV đã tìm gặp các bác tài có kinh nghiệm trong việc di chuyển trên các tuyến đường có nhiều đèo dốc nguy hiểm.

Anh Nguyễn Văn Đức (33 tuổi, quê ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: “Trước khi khởi hành, cần kiểm tra phanh xe và lốp an toàn, nhiên liệu đầy đủ. Trong đó nên kiểm tra lốp, dầu nhớt, phanh và hệ thống dẫn động đầy đủ và kỹ lưỡng. Nhiên liệu xe nên được đổ đầy vì trên các đoạn đường đèo dốc, nơi tiếp nhiên liệu cực kì hiếm hoi”.

Theo anh Đức, nguyên tắc cốt lõi là lên dốc số nào thì thả dốc số đó, tùy thuộc vào loại xe và độ dài cũng như độ dốc mà dùng số.

“Đối với đường đèo, không nên ôm vạch chia đường vì làm như vậy có thể ảnh hưởng đến xe khác, đặc biệt không an toàn cho đường có nhiều xe chạy và xe lưu thông ngược chiều khi vào cua mà không xử lý kịp.

Tuy nhiên, trong điệu kiện thời tiết xấu như mưa to, sương mù tầm nhìn xa bị hạn chế, bạn hãy di chuyển dựa vào vạch kẻ đường” – anh Đức nói.

Việc tìm hiểu những kinh nghiệm lái xe luôn hữu ích khi đi trên những cung đường nguy hiểm.

Việc tìm hiểu những kinh nghiệm lái xe luôn hữu ích khi đi trên những cung đường nguy hiểm.

Còn anh Nguyễn Văn Tâm (41 tuổi, quê Ninh Bình) chia  sẻ, nhường đường cho xe khác là cách ứng xử tốt nhất khi đi trên những cung đường đèo dốc.

“Đường đèo thường có khuynh hướng nhỏ và hẹp hơn đường ở địa hình bằng phẳng như đồng bằng, mặt khác lại nhiều khúc quanh vì vậy hãy luôn nhớ là nhường đường cho xe khác nếu bạn không muốn mắc kẹt trên lưng chừng đèo” – anh Tâm nói.

Theo anh Tâm, nếu bạn chưa quen đường thì hãy đi thật chậm vì bạn sẽ không nắm rõ khi nào sẽ có thêm một khúc quanh nữa. Đừng bị chi phối bởi những xe phía sau hối thúc, cách tốt nhất là hãy để những xe đó vượt qua và bạn lại tiếp tục cuộc hành trình an toàn của mình.

Đặc biệt khi gặp các xe có trọng tải lớn hãy di chuyển chậm để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho những người tham gia giao thông cùng bạn.

"Hãy luôn mang theo nước uống, kiểm tra nhiên liệu xe vì trên những cung đường này rất thưa thớt nhà dân và người qua lại.

Ngoài ra, hãy nghỉ nhiều chặng khi đi trên đường đèo dốc vì bạn sẽ không thể nào lái xe ôtô tốt trong tình trạng căng thẳng và không thoải mái" - anh Tâm chia sẻ.

Theo Lao động

Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

6 cách giúp bạn lái xe tiết kiệm xăng tốt hơn

6 cách giúp bạn lái xe tiết kiệm xăng tốt hơn

Giá xăng tăng sốc, lên sát 30.000 đồng/lít. Giá nhiên liệu đang ở mức cao kỷ lục mọi thời đại. Dưới đây là một số cách khi lái xe giúp bạn tiết kiệm xăng đáng kể.