Vào khoảng 16h30 ngày 25/2, chiếc xe khách 29 chỗ biển số 29B-311.XX do một người đàn ông 62 tuổi điều khiển chở theo 28 hành khách chạy trên QL2B, đoạn qua xã Hồ Sơn (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) theo hướng xuống núi đã bị mất lái do mất phanh, đâm gãy hàng rào hộ lan, lao xuống dưới ta-luy âm khoảng 5m.

Rất may, xe khách được chặn lại bởi cây thông lớn và không có ai bị thương nặng. Ngoài tài xế, số hành khách trên xe đều là cán bộ hưu trí của Bệnh viện Quân y 110 (Bắc Ninh).

(Đoạn clip ghi lại cảnh một xe khách loại 29 chỗ có dấu hiệu bị mất phanh khi xuống dốc Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Nguồn video: OFFB)

Video vụ tai nạn trên do camera hành trình của xe đi sau ghi lại được chia sẻ nhiều trên các hội nhóm mạng xã hội của giới lái xe và người dùng ô tô. Nhiều ý kiến trong cộng đồng tranh cãi về cách xử trí của tài xế xe khách như rà phanh liên tục, cho xe lao về phía ta- luy âm (bên trái có vực) thay vì lao vào ta - luy dương, bên phải có vách núi...

Cơ quan công an trên địa bàn cũng đã xác minh tài xế không có nồng độ cồn, không dương tính với ma túy. 

Trên thực tế, việc ô tô đột ngột bị mất phanh khi xuống những đoạn đường đèo dốc dài như ở Tam Đảo không phải hiếm gặp. Khi xuống dốc, hệ thống phanh làm việc quá nhiều sẽ rất dễ bị mất tác dụng, chiếc xe không thể dừng ngay lại được mà gần như sẽ trôi theo quán tính.

xe khach 2 798.jpeg
Chiếc ô tô 29 chỗ bị mất phanh rồi đâm qua ta-luy âm khi xuống dốc Tam Đảo (Ảnh: Minh Tuệ)

Các chuyên gia về kỹ thuật ô tô cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xe ô tô bị mất phanh như trong trường hợp của xe 29 chỗ nói trên, có thể từ việc mất áp suất dầu, lỗi ABS và đặc biệt do thói quen rà phanh liên tục khi xuống dốc của tài xế gây cháy bố phanh,...

Do đó, để hạn chế việc xe bị mất phanh đột ngột trên đường, các chuyên gia đưa một số khuyến cáo như sau:

- Khi xuống dốc nên lợi dụng lực hãm từ động cơ (hộp số) bằng cách bỏ chân ga, về số thấp theo nguyên tắc "lên số nào xuống số ấy". Tuyệt đối không nên rà phanh liên tục làm cháy phanh, sôi dầu phanh và dẫn đến mất phanh rất nguy hiểm.

- Trường hợp đi đường dài, nếu thấy mùi khét từ việc má phanh bị cháy, lập tức dừng xe lại ngay và đợi khoảng 10-15 phút cho hệ thống phanh nguội bớt rồi mới di chuyển tiếp để đảm bảo an toàn.

- Thường xuyên bảo dưỡng, bảo trì hệ thống phanh ô tô để đảm bảo phanh hoạt động trơn tru, an toàn nhất. Thay má phanh định kỳ, trung bình là khoảng 30.000-40.000 km hoặc 2-3 năm sử dụng.

sua phanh o to.jpeg
Hệ thống phanh xe cần được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên để tránh những hỏng hóc bất chợt. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Trong trường hợp không may xe bị mất phanh khi xuống dốc, tài xế cần hết sức giữ bình tình và lưu ý một số cách xử lý như sau để tránh tối đa rủi ro có thể xảy ra:

- Về số thấp nhất có thể

Khi xe mất phanh, việc đầu tiên là chuyển dần về số càng thấp càng tốt để sử dụng lực hãm của động cơ giúp chiếc xe đi chậm lại. Với xe số sàn, việc chuyển số tương đối đơn giản. Còn với xe hộp số tự động, người lái có thể chuyển sang chế độ bán tự động, chế độ số thấp hoặc sử dụng lẫy chuyển số trên vô lăng.

- Nhấp nhả phanh liên tục

Xe mất phanh có thể do bị mất áp suất dầu phanh tạm thời, khi đó bàn đạp phanh bị bó cứng. Việc nhấp nhả phanh liên tục có thể giúp lấy lại được áp suất này và giúp hệ thống phanh hoạt động trở lại.

- Tuyệt đối không tắt máy xe

Một lưu ý khi xe ô tô mất phanh tuyệt đối không tắt máy xe, bởi tắt máy, chiếc xe sẽ hoàn toàn trôi theo quán tính, đặc biệt nguy hiểm khi xe đang xuống đèo dốc. Việc tắt máy còn khiến hệ thống trợ lực lái mất tác dụng, lúc này tài xế rất khó điều hướng xe theo ý muốn.

- Sử dụng phanh tay

Trong những trường hợp khẩn cấp hơn, cần dừng xe lại nhanh chóng, có thể sử dụng cách kéo mạnh phanh tay. Dù loại phanh này không "ăn" bởi mục đích chính là sử dụng khi xe đã dừng hẳn, nhưng lực hãm từ phanh tay có thể giúp chiếc xe giảm tốc độ đáng kể.

- Bật đèn báo khẩn cấp

Để tránh gây va chạm với các phương tiện xung quanh, ngay khi phát hiện xe bị mất phanh, lái xe nên bật đèn báo khẩn cấp (đèn hazard). Đồng thời, có thể nháy đèn pha và dùng cói báo liên tục để các phương tiện đang cùng lưu thông nhường đường.

duong cuu nan.jpeg
Hốc cứu nạn trên một cung đường đèo dốc ở Tây Nguyên (Ảnh: ATGT)

- Dựa vào địa hình, địa vật để giảm thiểu rủi ro

Ở một số đường đèo có sẵn hốc cứu nạn, đây là đoạn đường được thiết kế cùng chiều xe xuống dốc, rải sỏi dày để nếu ô tô không may mất phanh đi vào sẽ nhanh chóng giảm tốc độ. Khi đi đường, hãy chú ý đến những đoạn đường có hốc cứu nạn như vậy.

Trong trường hợp bất khả kháng buộc phải dừng xe, tài xế nên chọn cách xử lý sao cho thiệt hại là nhẹ nhàng nhất, ví dụ như lao chéo xe vào vật cản trên đường như ta-luy dương, đống cát, bụi cỏ, ruộng lúa,... Tránh việc lao xuống ta-luy âm bởi phía dưới có thể là vực sâu, rất khó đảm bảo tính mạng cho những người trên xe.

Hoàng Hiệp

Bạn đã từng gặp tình huống thót tim khi lái xe? Hãy chia sẻ video, thông tin tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!