1.jpg
Ảnh: minh họa

Ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam (VTF) cho biết, đưa Internet về nông thôn, xây dựng các điểm truy nhập viễn thông công cộng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ TT&TT cũng như các Bộ, ngành và chính quyền địa phương tại Việt Nam. Hiện tại VTF đang triển khai dự án “Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ” với tổng kinh phí trên 2 triệu USD. Dự án đang được triển khai tại 3 tỉnh là Nghệ An, Thái Nguyên, Trà Vinh với 99 điểm thí điểm.

Trợ giá máy tính cho nông dân

Một mô hình nhằm phổ cập máy tính và Internet đến nông thôn đang được triển khai tại Ấn Độ là trợ giá máy tính và dịch vụ băng thông rộng. Đây là chương trình có tên USOF, thực hiện từ năm 2002, dưới sự quản lý của Bộ Viễn thông. Điểm nhấn của chương trình là máy tính Bharat (PC cho tất cả mọi người). Ông Amit Gupta đến từ Intel Ấn Độ cho biết, Intel đã hợp tác với một số hãng chế tạo thiết bị gốc để phát triển hệ thống máy tính có mức giá thấp. USOF trợ giá 100 USD cho mỗi người dân mua máy tính Bharat. Ban đầu, họ sẽ trả một mức phí là 2.250 rupi (gần 50 USD), tiếp tục trả góp mỗi tháng 300 rupi (khoảng 6,5 USD) trong vòng 5 năm. Như vậy họ đã có máy tính nối mạng ngay tại nhà. Mỗi tháng họ phải trả 99 rupi (khoảng 2 USD) phí thuê bao Internet.

Ngoài ra, một sáng kiến đi kèm với chương trình này là nếu người dân mua PC, thử nghiệm các phần mềm cài trong máy tính, chính phủ sẽ trao chứng chỉ kết thúc khoá học cơ bản về máy tính cho họ. Đây chính là một lợi thế, điểm mạnh cho người đó khi đi xin việc làm. Một số ý tưởng khác đang được ứng dụng tại nông thôn Ấn Độ là chương trình đào tạo tại chỗ. Theo đó, máy tính kết nối Internet băng rộng, có webcam người dân sẽ được học trực tuyến.

Ông Amit Gupta cho biết truyền thông cho chương trình là một phần việc rất quan trọng. Họ phải đến từng cơ quan, Bộ, ngành để giới thiệu về chương trình, nói rõ lợi ích của chương trình với người nông dân. Ngoài ra, chương trình còn “tận dụng” marketing qua các nhân viên của các tổ chức phi chính phủ (NGO), những người thường xuyên công tác tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trên các loại hoá đơn điện, điện thoại cũng in nội dung chương trình.

“Thông điệp phải dễ hiểu, cơ chế truyền tải thông tin rộng khắp để tất cả mọi người dân đều biết đến chương trình”, ông Amit Gupta nói. Ấn Độ cũng thiết lập đầu số điện thoại miễn phí 1800 phục vụ người dân hỏi mọi thông tin về mua máy tính và chương trình hậu mãi.

Tạo ra doanh thu mới bền vững

Một mô hình nữa nhằm phổ cập việc sử dụng máy tính và truy cập Internet tại các vùng sâu, vùng xa được các chuyên gia giới thiệu là Trung tâm viễn thông cộng đồng (Telecentre). Điểm mạnh của mô hình này là không chỉ dựa vào trợ giá thiết bị đầu cuối, phí truy cập Internet, mà nó còn kết hợp với mô hình doanh nghiệp, tạo ra doanh thu cho Telecentre và người dân. Ông Darrell Owen, chuyên gia tư vấn của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, không thể dựa vào việc trợ giá mà phải có những biện pháp bền vững hơn. “Trợ giá phải kết hợp với mô hình doanh nghiệp, đạt đến mục đích cung cấp dịch vụ ổn định, lâu dài”, ông Darrell Owen nói.

Ở vùng sâu vùng xa, Telecentre là nơi người ta tiếp cận với máy tính, nơi họ được đào tạo, huấn luyện về kỹ năng sử dụng máy, được hỗ trợ về kỹ thuật. Đặc biệt, theo ông Bernd Nordhausen đến từ Intel, Telecentre cũng là nơi cung cấp những dịch vụ về nông nghiệp như khuyến nông, công nghệ trồng trọt... Telecentre cũng có thể triển khai bán vé máy bay. Người dân mua vé với giá gốc (không phải trả phí “môi giới”), nhưng Telecentre sẽ nhận được hoa hồng từ hãng hàng không. Ngoài ra, Telecentre còn có thể cho thuê thiết bị, laptop giá rẻ, băng video, máy ảnh, đồ điện tử...

“Thời gian đầu, Telecentre có thể chưa mang lại lợi nhuận, thậm chí lỗ vì các chi phí lắp đặt, bảo hành, bảo dưỡng và chưa được nhiều người dân biết đến, tuy nhiên chính phủ và các công ty liên quan cần vượt qua giai đoạn này”, ông Bernd Nordhausen nói. Hơn nữa, về mặt thể chế, Telecentre phải được chính quyền địa phương ưu tiên phát triển, duy trì. Ngoài ra, nhiều nơi trên thế giới đã triển khai mô hình này, chính dân làng là những người quản lý các Telecentre, và họ sẽ có thu nhập từ công việc này. 

Ông Bernd Nordhausen cho biết tại bang Kerala của Ấn Độ, chính phủ đã phát triển trên 1.000 Telecentre có đường truyền Internet băng rộng, trang bị máy tính, máy in, máy ảnh, máy scan và đào tạo sử dụng máy tính cho hơn nửa triệu nông dân.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 151 ra ngày 18/12/2009