Người ta kể rằng, ở Ấn Độ có một người đàn ông bị đi tù sáu tháng vì tội đánh vợ. Sau khi mãn hạn, về đoàn tụ với gia đình mới một tuần, anh ta lại khăn gói đến xin ban quản lý nhà tù cho được tiếp tục cải tạo đến hết đời. Hỏi vì sao, anh ta trình bày rằng tuy ở tù chẳng sung sướng gì, nhưng còn hơn ở nhà, vì không bị vợ... đay nghiến suốt ngày đêm.

Nỗi buồn truyền kiếp

Một cuộc điều tra xã hội học ở Hồng Kông thực hiện trên 1.027 người đàn ông từ nhiều vùng dân cư khác nhau với câu hỏi: “Vợ anh có thói xấu gì khó chịu nhất?”. Kết quả 87% đàn ông trả lời: đó là tính nói nhiều. Thì ra đàn ông rất sợ tính nói dai của các bà vợ. Nỗi sợ này có nguồn gốc sâu xa từ hồi nhỏ khi anh ta bị mẹ mắng mỏ nhiều quá. Đàn ông ù tai vì các “lời khuyên” của vợ cũng giống như khi còn bé họ lẩn tránh lời giáo huấn của mẹ. Hóa ra, phái mạnh cũng hay bị phái yếu bắt nạt. Lúc bé thì mẹ mắng, lớn lên một tí bị chị mắng; lớn tí nữa, bị bạn gái trách; lấy vợ, bị vợ cằn nhằn. Về già cũng chưa yên. Có cụ ông lo cho cụ bà mồ yên mả đẹp, ai ngờ cụ lại phàn nàn, rằng con gái cụ bây giờ cũng lắm điều chẳng kém gì mẹ nó!

Có phải những đòn tấn công bằng lời của phái đẹp làm giảm uy thế người đàn ông trong gia đình nên anh ta bực bội? Thực ra không hẳn thế. Khó chịu nhất là vì những bài ca ấy hầu hết là lặp lại. Nếu có một cái máy ghi âm ghi tất cả những “lời khuyên” của vợ rồi một lúc nào đó mở ra nghe, bạn sẽ dễ dàng phát hiện, đến 90% những “lời khuyên” đó là... giống nhau! Phần lớn những bài ca của các bà vợ không phải là sáng tác mới, mà được “nhai đi nhai lại” quá nhiều lần, dù không theo yêu cầu! Người đàn ông đã biết quá rõ, thậm chí họ thuộc lòng nội dung.

Nhưng đàn ông hãy thử nhìn lại mình một cách nghiêm khắc xem. Liệu những bài ca muôn thuở như thế có thừa không? Hay bản thân họ cũng đầy những tội lỗi, cần các bà vợ liên tục rót vào tai những lời răn bảo? Tiếc rằng, khi các nhà nghiên cứu về đời sống gia đình hiện đại kiên nhẫn ngồi nghe hàng núi băng ghi âm mà họ đã ghi được từ miệng nhiều bà vợ khác nhau, mới thấy một thực tế đau buồn là: khó mà có ông chồng nào thoát khỏi bị vợ chì chiết. Người làm việc trí óc thì bị la rầy về tội đóng một cái đinh không nên hồn. Người khéo léo chân tay làm việc gì cũng giỏi lại bị chê là viết một cái đơn xin cho con nghỉ học cũng không xong. Người giỏi cả chân tay lẫn trí óc lại bị tra tấn vì tội hay quên hoặc lấy nhau mấy chục năm chưa bao giờ được chồng đưa đi du lịch...

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có lời và không lời

Bây giờ ta hãy đi "ngược dòng lịch sử", xem khi mới quen hơi bén tiếng nhau, phụ nữ có hay đay nghiến người yêu không? May thay, khi đó họ lại không có thói quen đó! Nếu khi mới yêu nhau, đàn ông đã bị “ăn đòn” như thế thì có lẽ số đám cưới phải giảm đi ít nhất là một nửa. Vậy khi mới yêu nhau, phụ nữ cư xử với người yêu thế nào? Thường lúc đó họ khen không ngớt lời. Nào là “Anh giỏi quá!”, “Anh của em tài quá!”, “Anh thông minh quá!”... Là vì lúc đó người đàn ông được bao phủ trong ánh hào quang rực rỡ của tình yêu. Nhất cử nhất động của anh ta đều rất đáng yêu. Thì ra, mọi chuyện chỉ bắt đầu khi họ kết hôn.

Chúng ta hãy thử nghe một cuốn băng ghi âm xem buổi “ca nhạc thính phòng” đã diễn ra như thế nào. May mắn là hôm ấy bữa cơm tối diễn ra vui vẻ. Ăn xong, người vợ nhẹ nhàng bảo chồng: “Bữa nay, anh rửa bát đi!”. Chồng vừa nhìn vào ti vi vừa trả lời: “Được rồi, cứ để đấy!”. Lúc đó trên màn hình đang phát bản tin tóm tắt về các trận bóng đá ngoại hạng Anh trong tuần. Vì thế sau câu nói “Được rồi!”, anh ta vẫn ngồi nguyên, vì theo anh ta, nửa giờ nữa rửa bát cũng chưa chết ai. Song, đa số phụ nữ lại không chấp nhận điều đó. Họ muốn chồng phải làm ngay. Nếu không sẽ xảy ra một trong hai tình huống. Một là chị ta nhắc lại bằng giọng nữ cao: “Anh có rửa bát không?”. Hai là chị ta lẳng lặng bưng mâm bát đi rửa. Có phải người vợ xử sự theo cách thứ hai là những người hiền lành, khéo chiều chồng không? Xin thưa, nếu bạn nghĩ thế là lầm to. Đó chính là cách “đay nghiến không lời” mà xét về mặt nào đấy nó còn khủng khiếp hơn cả đay nghiến bằng lời. Vì kèm theo cử chỉ ấy thường là một bộ mặt “hình sự” mà những người đàn ông yếu bóng vía có thể chỉ nhìn thấy đã bị chấn thương tâm lý đến mức cả buổi tối hôm ấy, và có thể cả đêm hôm ấy hoặc đến tận sáng hôm sau, anh ta sẽ cảm thấy mình đúng là một tên tội phạm. Bộ mặt ấy sẽ tiêu diệt hết mọi thú vui của anh ta ở trên đời, ít ra là trong ngày hôm đó.

Rõ ràng đay nghiến bằng lời hay không bằng lời đều là thứ vũ khí các bà vợ làm đàn ông kinh hãi. Không ít cuộc ly hôn đã là hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của những cuộc tra tấn triền miên này. Thậm chí, có những ông không kịp ly hôn, cứ lẳng lặng ra ngoài than thở với “bồ”.

Tại sao phụ nữ lắm điều?

Công bằng mà nói, cũng phải thừa nhận rằng, chẳng ai thích “lắm điều”, nhưng vì đa số việc trong nhà vẫn rơi vào tay phụ nữ, mà những việc đó không mấy khi được vừa lòng, do vô số những sai sót của chồng con, nên không nói cũng không được. Khảo sát cho thấy, những gia đình không có phụ nữ, chỉ đàn ông phải lo nội trợ thì họ cũng lắm điều. Nói nhiều có sung sướng gì? Ca sĩ chạy “sô” tuy có vất vả nhưng còn được khán giả vỗ tay và “cát-sê” cao ngất ngưởng, phụ nữ “ca cải lương” ở nhà cũng rát cổ bỏng họng không kém, mà chẳng có một xu. Vậy chị em có nên vất vả như vậy không?

Các nhà tâm lý gia đình đưa ra giải pháp là, những người phụ nữ khôn ngoan nói cái gì chỉ nên nói một lần thôi. Nếu người chồng tiếp nhận là được, còn xử lý việc đó như thế nào hãy cho anh ta một “khoảng trời riêng” muốn làm lúc nào hay cách nào tùy ý, miễn là hoàn thành công việc. Nếu mọi việc diễn ra không theo ý mình, người vợ cũng không nên nói đi nói lại và cũng không làm thay anh ta. Bởi vì, cũng theo các chuyên gia về gia đình thì không có gì hoang tưởng hơn là chỉ dùng lời nói mà một người phụ nữ có thể cải tạo được chồng mình thành một người khác. Đã trót lấy người đàn ông thế nào, hãy chấp nhận như anh ta vốn có. Nhân đây cũng có lời khuyên những cô gái chưa chồng là khi tìm hiểu, nếu thấy những cái không thể chấp nhận được thì tốt hơn hết là đừng đi xa hơn. Bởi vì, nói nhiều chẳng những không cải tạo được chồng mà còn khiến anh ta khó chịu, có thể phản ứng lại, thành cãi nhau.

Nhiều khi phụ nữ chỉ cần ra những mệnh lệnh ngắn gọn và cụ thể lại hiệu quả hơn. Chẳng hạn không nên nói: “Trời ơi bao nhiêu là việc mà chẳng ai đỡ đần được tí gì. Chồng thì dán mắt vào ti vi, con thì chúi mũi vào trò chơi máy tính. Anh có đứng lên đỡ em một tay không?”. Sau câu nói dài như thế của bạn, có thể anh ta sẽ ca thán: “Nói nhiều quá. Em muốn anh làm gì?”. Cho nên bạn chỉ cần nói: “Anh ra máy giặt phơi hộ em chỗ quần áo đi!”, “Con đứng lên lau hộ mẹ cái nhà!”. Khi họ làm xong những việc đó, bạn lại ra mệnh lệnh tiếp theo. Chỉ độ vài tháng, họ sẽ tự biết việc phải làm và bạn không phải nói nữa. Một thủ thuật nữa là khi chồng con làm xong, bạn đừng chê, dù không như ý mình. Cố gắng khen càng nhiều càng tốt. Bạn hãy quẳng bộ mặt nhăn nhó đi và cười tươi lên. Gia đình sẽ hạnh phúc hơn mà sức khỏe của bạn và sự duyên dáng đáng yêu sẽ tăng lên trông thấy.

Trịnh Trung Hòa

(Theo Phunuonline)