- Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Trong khi nhiều điều kiện liên quan đến nhập khẩu ô tô còn nhiều bất cập khiến cho cả DN nhập khẩu nhỏ lẻ và giới kinh doanh ô tô chính hãng nhập khẩu đều không hài lòng!

Băn khoăn việc bảo hành và triệu hồi sản phẩm

Trong dự thảo Nghị định của Bộ Công Thương, vấn đề bảo hành bảo dưỡng và triệu hồi sản phẩm là những điểm đáng chú ý, gây ra nhiều tranh luận giữa các bên.

Tại dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương yêu cầu: DN được cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô khi có ít nhất 1 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu và đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này. Đồng thời có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này.

Bộ Công Thương quy định thêm rằng: Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô này phải thuộc sở hữu của DN, hoặc do DN ký hợp đồng thuê hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm, hoặc thuộc hệ thống phân phối của DN.

“Kể từ ngày 1/7/2020, DN nhập khẩu ô tô phải sở hữu tối thiểu 1 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này”, dự thảo nêu rõ.

Quy định này khiến cả DN nhập khẩu ô tô không chính hãng lẫn chính hãng băn khoăn.

{keywords}

Nhiều điều kiện liên quan đến nhập khẩu ô tô còn nhiều bất cậ

Các DN nhập ô tô không chính hãng cho rằng: Việc đầu tư một cơ sở bảo hành bảo dưỡng theo đúng tiêu chuẩn, được Bộ GTVT cấp phép, lại không hề đơn giản. Phải có đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị đảm bảo, diện tích mặt bằng đủ rộng được quyền sử dụng tối thiểu 5 năm,... đòi hỏi chi phí lớn, chắc nhiều DN khó thực hiện được.

Trong khi đó, Hiệp hội các DN sản xuất và lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng Dự thảo Nghị định khi yêu cầu “nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô phải sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng” là không phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi vì các nhà sản xuất ô tô trên thế giới thường sử dụng hệ thống các đại lý uỷ quyền trong việc phân phối, bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi các sản phẩm ô tô để chăm sóc khách hàng.

Ngoài ra, theo một DN chuyên nhập ô tô chính hãng, hiện nay, những nhà kinh doanh ô tô uy tín ở Việt Nam đều có cơ sở bảo hành phủ kín thị trường với cự ly ngắn, trong khi đó quy định tại Khoản a Điều 21 của Dự thảo Nghị định mới chỉ yêu cầu nhà kinh doanh nhập khẩu chỉ cần có 1 cơ sở bảo hành duy nhất tại Việt Nam là đủ. Như vậy là hết sức bất cập.

“Xin nêu một thí dụ, có một đơn vị kinh doanh nhập khẩu ô tô mới thành lập ở Hà Nội thực hiện theo quy định để được cấp phép nhập khẩu ô tô là thiết lập duy nhất 1 cơ sở bảo hành ngay tại thành phố Hà Nội, nhưng ô tô của họ thì bán trên thị trường toàn quốc. Như vậy khi người tiêu dùng ở tận Cần Thơ mua xe của đơn vị này cần bảo hành xe, thì làm sao họ có thể đưa xe ra tận Hà Nội để bảo hành? Nếu không đưa xe ra tới Hà Nội bảo hành, thì quyền lợi hậu mãi của họ như thế nào”, vị này cho biết.

Thế nên trái với quan điểm của các DN không chính hãng, nhiều DN nhập ô tô chính hãng lại muốn quy định kinh doanh nhập khẩu xe phải có mạng lưới bảo hành đủ để phục vụ người tiêu dùng chứ không chỉ là có duy nhất 1 cơ sở bảo hành xe ô tô như dự thảo.

“Theo chúng tôi, DN ít nhất phải có mạng lưới với cự ly giữa các cơ sở bảo hành là không quá 100 km thì mới đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng”, giám đốc một DN đề xuất.

“Nhà nhà nhập khẩu ô tô” là đáng lo!

Quy định về triệu hồi sản phẩm cũng bị các DN nhập khẩu không chính hãng cho rằng “khó thực hiện”. Bởi theo dự thảo, các DN kinh doanh nhập khẩu ô tô phải có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm triệu hồi ô tô nhập khẩu bị lỗi khi có thông báo từ nhà sản xuất. Việc khắc phục lỗi kỹ thuật phải theo đúng hướng dẫn và quy định của nhà sản xuất.

{keywords}

“Các DN nhập khẩu ô tô không chính hãng thường không có mối liên hệ với chính hãng, nhập khẩu qua trung gian, thì việc triệu hồi và khắc phục lỗi theo hướng dẫn của nhà sản xuất khó thực hiện được. Nếu vậy, DN có nguy cơ bị thu hồi Giấy phép kinh doanh rất cao”, một DN nhập ô tô không chính hãng lo ngại.

Trong khi ấy, Hiệp hội các DN sản xuất và lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng: Dự thảo có quy định các nhà nhập khẩu ô tô phải chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi cho sản phẩm được bán ra. Tuy nhiên, hoạt động này cần được tiến hành theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất chứ không thể tự ý.

Theo các DN, triệu hồi ô tô lỗi là để dảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cần có chế tài chặt chẽ để không thiệt hại cho người tiêu dùng. Vấn đề triệu hồi xe luôn là trách nhiệm của nhà sản xuất và chỉ có nhà sản xuất mới có đủ năng lực để xử lý. Tuy nhiên theo quy định mới trong Khoản b Điều 21 Dự thảo Nghị định, thì chỉ cần nhà kinh doanh nhập khẩu cam kết với Bộ công thương sẽ triệu hồi xe bị lỗi thay vì nhà sản xuất xe. Quy định giản đơn như vậy sẽ dẫn đến tình trạng trên thực tế khi xảy ra sự cố thì không thực hiện được. Là vì nhà kinh doanh nhập khẩu hoàn toàn không đủ khả năng xử lý xe lỗi cũng như thẩm quyền quyết định. Nếu nhà kinh doanh nhập khẩu triệu hồi xe lỗi nhưng nhà sản xuất không đồng ý sửa chữa thì sao?

Thế nên, các DN nhập ô tô chính hãng cho rằng cho rằng Dự thảo Nghị định cần yêu cầu nhà kinh doanh nhập khẩu có bản cam kết triệu hồi xe của chính nhà sản xuất nộp cho Bộ Công Thương chứ không phải là bản cam kết của nhà kinh doanh nhập khẩu. Như vậy mới đủ sức chế tài khi xảy ra sự cố, tránh được tình trạng nhà kinh doanh nhập khẩu chối bỏ trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

“Nếu quy định quá lỏng lẻo, sẽ nảy sinh tình trạng “nhà nhà nhập khẩu xe ô tô”, làm rối loạn thị trường khi xe kém chất lượng, xe thiếu điều kiện hậu mãi tràn lan khắp nơi. Người tiêu dùng lãnh đủ đã đành mà nhà nước cũng sẽ vất vả khắc phục hậu quả, an toàn giao thông quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng”, một nhà nhập khẩu ô tô chính hãng lập luận.

Ông Bùi Kim Kha PTGĐ Đại diện Công ty Ô tô Trường Hải cho hay, theo thống kê và ghi nhận thực tế tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay, tất cả các đợt triệu hồi đều do chính nhà sản xuất trong nước hoặc quốc tế thông qua các đơn vị được ủy quyền chính thức thực hiện.

Đại diện Công ty ô tô Trường Hải nhấn mạnh: “Tuyệt nhiên không có chuyện một DN không đại diện cho bất cứ nhà sản xuất ô tô nào đứng ra thực hiện triệu hồi sản phẩm khi có vấn đề kỹ thuật xảy ra, DN nhập khẩu chỉ là trung gian trong việc thực hiện triệu hồi sản phẩm.”

Tuy nhiên, một số nhà nhập khẩu khác và người tiêu dùng cho rằng việc kiểm tra thử nghiệm theo lô là để kiểm soát việc nhập khẩu tràn lan các loại ô tô kém chất lượng không rõ nguồn gốc gây mất an toàn khi vận hành và đảm bảo vấn đề về môi trường, khí thải. Luật gia Trần Đình Thu khẳng định: Bất kể nhập khẩu hay sản xuất trong nước mà không kiểm tra thử nghiệm trước khi bán cho người tiêu dùng thì thiệt hại trước hết người tiêu dùng phải gánh chịu và chẳng bao lâu Việt Nam thành bãi rác ô tô! 

H.Nam