“Bỏ thì thương, vương thì khổ”

Một ngày giữa tháng 6/2022, anh Nguyễn Hữu H. - quản lý xe khách của một doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Thừa Thiên - Huế đi TP. Hải Phòng - ngồi gục đầu bên cửa chiếc xe giường nằm đang đậu trong Bến xe phía Bắc tỉnh Thừa Thiên - Huế để trong ngóng những vị khách lẻ cuối chiều.

Anh H. cho biết, doanh nghiệp của anh kinh doanh vận tải hành khách đường dài từ nhiều năm nay. Thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao nên công ty mạnh dạn vay vốn mua xe, phục vụ hành khách.

“Lợi nhuận chưa có thì xảy ra dịch bệnh triền miền nhiều năm, nghề vận tải hành khách dường như 'đóng băng' nên doanh nghiệp phải gồng mình trả lãi ngân hàng.

Xăng dầu tăng giá ở mức phi mã đang là mối thách thức đối với doanh nghiệp vận tải

Thời gian qua, khi địch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào trạng thái bình thường mới thì lại vấp phải thực trạng giá xăng dầu tăng vọt, vận tải hành khách thu không đủ bù chi”, anh H. chia sẻ.

Bình thường như mọi năm, thời điểm tháng 5, 6 hoạt động vận tải hành khách tại Bến xe phía Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế hoạt động rầm rộ. Khách ra vào nườm nượp, đặc biệt là tuyến đi các tỉnh phía Nam.

Theo Công ty Cổ phần Bến xe Huế, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi ngày có hơn 130 đầu xe xuất bến đi các tỉnh phía Nam. Hiện nay chỉ có khoảng 80-90 đầu xe xuất bến, bao gồm các tuyến vận chuyển hành khách đi các tỉnh phía Nam và tuyến xe buýt liền kề Huế - Đà Nẵng.

DN này giải thích, do giá xăng dầu tăng cao, nhiều doanh nghiệp vận tải thu không đủ bù chi nên chỉ hoạt động cầm chừng, chờ cơ chế, chính sách mới.

Ông Trương Văn Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Minh Phương, tuyến xe khách Huế - TP.HCM, cho rằng, giá xăng dầu tăng cao, chi phí thay thế trang thiết bị xe tăng hơn 30% so với trước; các loại phí, thuế, lương cho tài xế, phụ xe tăng… làm doanh nghiệp vận tải hành khách đã khó ngày càng khó khăn hơn.

Doang nghiệp vận tải rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" vì xăng dầu tăng nhưng cước vận chuyển không thể thay đổi

“Trước đây, tuyến Huế - TP.HCM chúng tôi có 20 đầu xe, tuy nhiên nay chỉ hoạt động 8-9 xe, đồng thời bán bớt xe để gom vốn lại. Một phần trả lãi vay ngân hàng, còn lại phải sửa chữa lại xe.  Biết khó khăn chồng chất khó khăn nhưng giờ 'bỏ thì thương, vương thì tội'.

Mong muốn Chính phủ giảm giá xăng dầu, các ngân hàng có chính sách giãn nợ, khoanh nợ và cho vay lãi suất ưu đãi thì doanh nghiệp vận tải hành khách mới cầm cự được”, ông Nghĩa bày tỏ.

Khó tăng giá cước

Không chỉ các phương tiện vận tải hành khách, hàng loạt doanh nghiệp vận tải vật liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang rơi vào cảnh “sống dở, chết dở” vì giá xăng dầu tăng vọt.

Chuyên kinh doanh vận tải vật liệu liên tỉnh, Công ty Cổ phần H.Đ. được xem là doanh nghiệp lớn nhất nhì của Thừa Thiên - Huế.

Theo đại diện của doanh nghiệp này, với hàng trăm phương tiện, mỗi năm đơn vị vận chuyển hàng triệu tấn vật liệu như xi măng, đất, đá,... cho các nhà thầu thi công các dự án trong và ngoài tỉnh. Thế nhưng, thời gian qua, do giá vật liệu tăng vọt, giá xăng dầu trong nước cũng tăng phi mã nên hoạt động của đơn vị phải cầm chừng, bù lỗ.

“Mỗi phương tiện vận tải đang phải 'cõng' hàng loạt chi phí tăng cao như giá xăng dầu, giá nguyên liệu,... trong khi giá cước có tăng nhưng không thể bắt kịp với mức tăng của các chi phí khác.

Đặc biệt, do tính cạnh tranh của thị trường vận tải, việc tăng hay giảm giá cước phải được doanh nghiệp cân nhắc, xem xét kỹ nếu không mất khách hàng.

Không chỉ các đơn vị vận tải hành khách, hàng loạt doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại Thừa Thiên - Huế cũng kêu khó vì giá cả leo thang

Khó khăn là thế nhưng phương tiện, xe cộ mua cả tỷ đồng thì không thể nằm yên một chỗ được mà phải cho chạy. Nhưng xe càng chạy thì doanh nghiệp càng phải bù lỗ”, đại diện Công ty H.Đ. chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, một chủ xe khách tại Thừa Thiên - Huế chia sẻ, mặc dù giá nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao nhưng doanh nghiệp chưa thể tăng giá vé.

“Trước đây, mỗi chuyến Huế - T.HCM và ngược lại chi phí trọn gói chỉ 25-26 triệu, thì nay đã đội lên hơn 33 triệu đồng. Thu không đủ bù chi khiến doanh nghiệp vận tải quá khó khăn, hoạt động cầm chừng”, một chủ xe khách trăn trở.

Ông Phạm Xuân Sơn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Huế - cho biết, sau hơn 2 năm dịch bệnh, hoạt động vận tải mới hoạt động lại từ tháng 11/2021. Từ đó đến tháng 1/2022, phương tiện hoạt động được 50% biểu đồ chạy xe do cơ quan quản lý tuyến phê duyệt. Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ duy trì được khoảng 70% biểu đồ chạy xe. 

Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh thì việc giá xăng dầu tăng cao khiến hoạt động vận tải bị thua lỗ, nhiều doanh nghiệp không còn mặn mà với nghề.

Theo ông Sơn, trước những khó khăn của các doanh nghiệp, công ty đang hỗ trợ cho các đơn vị vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ tại bến xe bằng cách miễn giảm truy thu số phiên, chuyến do dịch bệnh, chi phí xăng dầu tăng cao và khi xe không có khách. Đồng thời, động viên tuyên truyền một số chính sách ưu đãi của Nhà nước cho các đơn vị vận tải để được hỗ trợ. 

Quang Thành

Dính đòn đau: Mỗi ngày cắn răng lỗ chục triệu, thà bỏ hết ngồi chơi

Giá xăng, dầu tăng liên tiếp trong hơn hai tháng qua khiến các DN vận tải chưa kịp hồi phục sau dịch Covid-19, lại bị giáng thêm một "đòn" đau. Nhiều DN cho biết đang đối mặt với thua lỗ và phải giảm hoạt động.