Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thói quen tiêu dùng của người dân dần thay đổi, đặc biệt là phương thức mua hàng, chuyển từ trực tiếp sang gián tiếp.
Đã 3 tuần nay, cô Thanh Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) dường như đã quen dần với hình thức mua sắm online. Ngay cả việc đi chợ, sắm đồ cho gia đình cô đều lên mạng, cô chỉ cần bấm nút là 25 – 30 phút sau hàng hóa đã được giao đến tận nhà. Điều mà trước đây cô chưa bao giờ nghĩ đến, bởi cô cho rằng, công nghệ thuộc về tầng lớp trẻ nhưng từ khi có dịch, cô thay đổi suy nghĩ hoàn toàn.
“Trước đây, tôi khá e dè khi mua hàng trên mạng, bởi do mình không am hiểu kỹ nên chỉ sợ bị lừa. Thế hệ chúng tôi là mua cái gì cũng phải hiện hữu trước mắt nhưng có lẽ suy ấy đã quá lỗi thời” – cô Hoa tâm sự.
Phương thức mua sắm online dần trở nên phổ biến với người dân trong mùa dịch Covid-19 |
Không chỉ với người tiêu dùng mà nhiều quán hàng cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với sân chơi hiện tại.
Chị Phương Thúy, chủ cửa hàng bán thực phẩm sạch trên đường Thanh Xuân (Hà Nội) phải thuê thêm 2 nhân viên để giao hàng cho khách. Từ khi dịch, người dân ngại ra đường và lui tới nơi đông người nên quán hàng bỗng trở nên vắng vẻ.
Để ứng phó với tình hình, chị Phương phải tính đến phương án là chuyển sang kinh doanh online. Các mặt hàng sẽ được chị đăng tải trên mạng xã hội, khách có nhu cầu chỉ cần để lại lời nhắn, địa chỉ nhận đồ là nhân viên sẽ mang đến tận nơi.
“Không phải đến bây giờ cửa hàng mới kinh doanh online mà trước kia tôi đã làm rồi nhưng không hiệu quả. Bởi tâm lý chung của mọi người là vẫn thích mua hàng trực tiếp. Nhưng có lẽ, mùa dịch chính là bước ngoặt để người dân thay đổi nhận thức. Giờ đâu phải cứ mua sắm là xách làn đi chợ, thói quen ấy chỉ đúng với 10 về trước” – chị Thúy nói.
Khách hàng chỉ cần ngồi ở nhà, lên mạng và bấm nút là sau 15-20 phút hàng hóa sẽ được mang đến tận nơi |
Không những thế, kinh doanh online đang là vị cứu tinh của nhiều quán hàng trong mùa dịch Covid-19. Với mức chi phí từ 25 – 30 triệu đồng/tháng tiền chi trả mặt bằng cũng khiến anh Nguyễn Duy (Hà Nội) đau đầu. Bởi gần 2 tháng nay, cửa hàng quần áo của anh luôn trong tình trạng báo động do lượng khách giảm sâu.
Anh Duy ngậm ngùi cho biết, từ khi có dịch, người dân dường như không lui tới cửa hàng, đồng nghĩa với việc kinh doanh bị chững lại. Trong đó, 2 vấn đề lớn nhất anh cần tháo gỡ chính là nguồn vốn và hệ thống nhân sự. Bởi hàng tháng, anh vẫn phải trả lương cho nhân viên, trả tiền mặt bằng và vận hành cửa hàng.
Để ứng phó với tình hình, anh Duy đã cho sắp xếp lại hệ thống nhân sự, chuyển đổi chiến lược kinh doanh. Đặc biệt là đẩy mạnh các kênh phân phối online nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm thời dịch của khách.
“Kể từ khi triển khai chiến lược mới, cửa hàng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực, lượng khách cũ đã quay lại khoảng 30 - 40 %. Tình hình kinh doanh cũng được cải thiện rõ rệt và quan trọng nhất là anh em nhân viên được trở lại đi làm” – anh Duy nói.
(Theo Dân trí)