ICTnews - Trước xu hướng hội tụ dịch vụ thoại và nội dung, lợi nhuận từ kinh doanh dịch vụ truy cập thuần tuý giảm do cạnh tranh cùng với những thay đổi trong chính sách quản lý Internet, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) trong nước đã bắt tay nhau và hướng đến bắt tay với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung để tăng lợi nhuận.
Kinh doanh Internet thay đổi
Vào ngày 21/11/2007, 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) lớn của Việt Nam lần đầu tiên cùng nhau tổ chức hội thảo bàn về việc hợp tác nâng cao chất lượng Internet Việt Nam. Có lẽ không phải vì chất lượng Internet Việt Nam đang có vấn đề, mà sự kiện này được tổ chức là do lĩnh vực Internet sắp có những biến chuyển lớn trong chính sách. Đó là việc Bộ Thông tin và Truyền thông đang hoàn tất dự thảo nghị định quản lý Internet mới thay thế cho Nghị định 55 vốn đã lộ rõ những hạn chế chưa theo kịp sự phát triển.
Dự thảo nghị định Internet mới có nhiều điểm “cởi trói” thực sự cho các doanh nghiệp. Cụ thể, đó là việc mở rộng cho mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp các loại dịch vụ Internet thay vì chỉ cho phép các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước chiếm cổ phần chi phối như Nghị định 55 hiện tại. Đó là việc đơn giản hoá thủ tục, theo dự thảo Nghị định Internet mới thì chỉ còn một giấy phép ISP cho cả 3 loại dịch vụ truy cập, kết nối và ứng dụng trên Internet, so với trước đó phải có 3 loại giấy phép cho từng loại dịch vụ này.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định Internet mới cởi trói cho tất cả các ISP đều được kết nối trực tiếp quốc tế (trước đó chỉ có IXP - nhà cung cấp hạ tầng kết nối) và yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng phải cung cấp đường truyền dẫn cho các ISP không có hạ tầng khi có yêu cầu (trước đó chỉ khuyến khích chia sẻ hạ tầng). Có thể nói đây là tin vui với các ISP không có hạ tầng.
Bên cạnh những thay đổi trong chính sách quản lý về Internet, ông Trần Bá Thái, Giám đốc công ty NetNam cho rằng kinh doanh Internet hiện nay không thể cứ tiếp tục chỉ sống bằng bán hạ tầng, mà dịch vụ Internet có lãi chủ yếu trên nội dung và dịch vụ giá trị gia tăng chứ không phải dịch vụ truy cập. “Thời gian qua, trọng tâm của kinh doanh Internet chính là hạ tầng, nhưng trong thời gian tới các dịch vụ nội dung và dịch vụ giá trị gia tăng mới là nguồn lợi nhuận đem lại sự tăng trưởng cho các các ISP”, ông Thái nói.
Cũng có nhìn nhận tương tự, ông Nguyễn Kim Hoà, Giám đốc kinh doanh của Sun Microsystems Việt Nam nói, xu hướng kinh doanh Internet hiện nay là hội tụ giữa các dịch vụ voice (thoại) và dữ liệu trên mạng. Số lượng người dùng Internet đang tăng nhanh nhưng giá truy cập cũng giảm nhanh do có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh Internet muốn tăng doanh thu và lợi nhuận phải đảm bảo tăng được cả thuê bao và các dịch vụ giá trị gia tăng để thoả mãn nhu cầu của người dùng.
Các ISP bắt tay
Trong bối cảnh cả chính sách và xu hướng thị trường đã thay đổi, 5 ISP gồm Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công ty Viễn thông Điện lực (EVNTelecom), Công ty Cổ phần Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) và Công ty NetNam đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác hướng tới thành lập Hiệp hội Internet Việt Nam. ISP đứng thứ hai về thị phần là FPT không có mặt trong cuộc chơi này.
Thỏa thuận này được đánh giá là một động thái tích cực trong việc hợp tác giữa các ISP. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, “sự kiện này thể hiện sự chung tay xây dựng và phát triển Internet Việt Nam bền vững nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dùng”.
Về thỏa thuận này, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng Giám đốc Viettel, các ISP đã bắt tay nhau, phối hợp để hỗ trợ nhau khi xảy ra sự cố trong nước. Điều này là tốt cho doanh nghiệp và tốt cho sự phát triển của Internet nói chung. Cũng theo ông Hùng, thoả thuận này tiến tới sẽ không chỉ có ISP tham gia mà mở rộng thêm cả những doanh nghiệp nội dung và dịch vụ giá trị gia tăng trên Internet.
Ông Trần Bá Thái tỏ ra vui mừng và cho rằng thoả thuận này là một sự liên minh có thể tăng thêm giá trị cho từng thành viên, kể cả ISP không có hạ tầng như NetNam. Bởi theo ông Thái, lợi nhuận từ dịch vụ truy cập ngày càng nhỏ, nên liên kết để chia sẻ sẽ có lợi cho cả doanh nghiệp có hạ tầng, doanh nghiệp không có hạ tầng và cả người dùng cũng được hưởng lợi. Có lẽ đó chính là mục tiêu của của các ISP trong thoả thuận hướng tới việc thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp kinh doanh Internet Việt Nam.
Các ISP tăng cường đầu tư hạ tầng
Cùng với việc bắt tay hợp tác, các ISP cũng đang nỗ lực cải thiện hạ tầng để đáp ứng sự phát triển ngày càng tăng của dịch vụ Internet băng rộng.
Thuê bao Internet băng rộng thời gian qua tiếp tục phát triển nhanh. Trong 11 tháng đầu năm 2007, thuê bao băng rộng của Viettel đã tăng thêm 120 ngàn thuê bao mới, nhiều hơn tổng số thuê bao tập đoàn này có được kể từ khi mở dịch vụ Internet từ vào năm 2002 đến hết năm 2006. Với đà tăng trưởng này, Viettel đặt mục tiêu đầu tư cho hạ tầng mạng Internet băng rộng tính đến năm 2010 đủ khả năng đáp ứng 3 triệu thuê bao. Trong đó, dung lượng kết nối quốc tế sẽ được mở thêm 4Gbps, mở thêm 3 Gbps dung lượng kết nối trong nước và dự kiến mở rộng thêm băng thông cung cấp cho khách hàng lên 20-100Mbps. Đặc biệt, Viettel sắp tới sẽ đẩy mạnh triển khai nối cáp quang tới các toà nhà và mở rộng vùng phủ Internet băng rộng tới tận xã, với mục tiêu chiếm khoảng 35-40% thị phần Internet Việt Nam trong 10 năm tới từ mức 15% vào cuối năm 2006.
Trong hành trình nâng cao chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhu cầu thị trường, Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) cũng có kế hoạch tăng dung lượng băng thông quốc tế từ 7Gbps hiện nay lên 100Gbps vào năm 2010, phát triển mạng thế hệ mới NGN và mạng Metro NET truyền dẫn cáp quang tới tất cả tỉnh và nâng năng lực của hệ thống mạng trục Internet Hà Nội – Đà Nẵng – TP.HCM đạt 20Gbps. Ngoài ra, ông Trần Việt Hưng, Phó giám đốc VDC cho biết, công ty này sắp tới sẽ đẩy mạnh việc mở rộng kết nối ngang hàng (peering) với các ISP khác để nâng cao chất lượng dịch vụ kết nối trong nước và tăng thêm các loại gói cước phù hợp nhu cầu của từng đối tượng khách hàng.
Các ISP khác như EVNTelecom và SPT cũng đang triển khai xây dựng tuyến cáp quang biển để nâng dung lượng kết nối đi quốc tế. EVN Telecom đang xây dựng tuyến cáp quang biển xuyên Á với dung lượng ban đầu khoảng 320Gbps và sẽ nâng lên 5,6Tbps, còn SPT cũng đang hợp tác xây dựng tuyến cáp quang biển với dung lượng 30GB dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2008.
ĐỖ DUY
- Báo Bưu điện Việt Nam cuối tháng 11/2007