Kinh doanh game lấn sang ngân hàng ảo

Khi đưa dịch vụ ra thị trường, mỗi nhà cung cấp game đều có một loại thẻ thanh toán riêng, cùng với một hệ thống thanh toán. Game thủ muốn chơi loại game nào thì mua thẻ game của nhà cung cấp đó, sau đó dùng thẻ này nạp tiền vào cổng thanh toán, lúc đó tiền “thật” theo giá trị thẻ được quy đổi thành giá trị tiền “ảo”. Tiền ảo này dùng để giao dịch thanh toán phí chơi game, mua bán đồ trong game, cũng như các dịch vụ khác trong thế giới ảo. Có thể nói, mỗi hệ thống thanh toán của các nhà cung cấp game có tính năng tương tự như một “ngân hàng ảo”, vì nó có các tính năng giúp các game thủ tự do chuyển khoản, mua bán tài sản ảo, tiền ảo với nhau. Ngân hàng ảo tiện ích hơn ngân hàng thật ở chỗ không bị hạn chế bởi không gian và thời gian giao dịch, chủ tài khoản có thể nạp tiền và tiêu dùng vào bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào.

Mỗi nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến có một loại tiền ảo khác nhau. Ví dụ, VTC có Vcoin, VinaGame có Kim nguyên bảo, FPT có Bạc, CyberWorld có Ccash, AsiaSoft có @Point, Saigon Tel có E-Coin, VDC-NET2E có E-Point… Thời gian đầu, tiền ảo thường chỉ có giá trị để chơi game, nhưng đến nay, tiền ảo được dùng để thanh toán nhiều dịch vụ trực tuyến khác. Thậm chí còn có thể dùng để thanh toán giao dịch ảo của các nhà cung cấp khác - tương tự như trao đổi ngoại tệ trong thế giới ảo. Không chỉ nạp tiền ảo bằng thẻ, các nhà phát hành game đều cố gắng tạo thêm tiện ích cho người dùng bằng cách liên kết với các ngân hàng để nạp tiền từ tài khoản ngân hàng, hay liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ di động để nạp tiền từ tin nhắn SMS. Từ đặc thù kinh doanh của ngành công nghiệp game mà dịch vụ thanh toán trực tuyến ngày càng phát triển.

Liên ngân hàng trong thế giới ảo

Cho đến nay, dù chưa doanh nghiệp game nào chính thức thừa nhận mình đang làm dịch vụ ngân hàng, nhưng thực chất các cổng thanh toán của họ đang phát triển rất mạnh các chức năng của một ngân hàng.

Cổng thanh toán điện tử VTC Paygate của VTC có hơn 8 triệu khách hàng sau 2 năm hoạt động. Ông Phan Sào Nam – Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến – VTC Online cho biết, ngay từ khi mới tham gia vào thị trường game, VTC đã dự định phát triển paygate.vtc.vn thành cổng thanh toán điện tử có lượng khách hàng đông nhất Việt Nam. VTC Paygate hoạt động tương tự như một ngân hàng với các chức năng: Thanh toán, chuyển khoản, trao đổi ngoại tệ. Hàng tháng có trung bình 30-35 tỷ đồng được quy đổi thành tiền ảo Vcoin và luân chuyển trong hệ thống này.

Đồng Vcoin vừa dùng để chơi các game do VTC Game phát hành, vừa dùng để thanh toán rất nhiều dịch vụ khác như: Nạp tiền di động trả trước của 3 mạng GSM là Mobiphone, Vinaphone, Viettel; thanh toán phí xem truyền hình di động VTC Mobile; mua phần mềm diệt vi rút BKAVPro; mua bản quyền phần mềm của PPCLINK; thanh toán học phí của 3 trang đào tạo trực tuyến là: truongtructuyen.vn, hocmai.vn, globaledu.com.vn. Mới đây, VTC Paygate còn hợp tác với 3 nhà phát hành game khác là AsiaSoft, CyberWorld và Softnix (Hàn Quốc) để trao đổi tiền ảo. Sự hợp tác này mở đường cho việc thiết lập một liên ngân hàng ảo cũng như phát sinh giao dịch ngoại tệ trong thế giới ảo. Các game thủ có thể dùng tiền ảo Vcoin để chơi các game do AsiaSoft, CyberWorld và Softnix phát hành và ngược lại.

Còn VinaGame đã thiết lập một hệ thống gần 3.000 điểm bán thẻ tự động (POS) có chức năng thanh toán trên khắp cả nước. Vừa bán các loại thẻ trả trước của VinaGame, máy bán thẻ POS còn cung cấp các thẻ điện thoại của MobiFone, Viettel, VinaFone, thẻ sử dụng phần mềm diệt virus, thẻ học tiếng Anh qua mạng, thẻ gọi quốc tế VinaVoice và sắp tới đây là thẻ S-Fone. Hệ thống POS cũng chấp nhận thanh toán bằng các loại thẻ ngân hàng như Connect 24 của VCB hoặc các loại thẻ Visa, Master…

 Ông Vũ Việt Sơn – Giám đốc Kinh doanh của VinaGame cho biết, ở các nước phát triển hình thức thanh toán điện tử qua POS chiếm tới 90% lưu lượng tiền tệ tiêu dùng quốc dân. Sắp tới VinaGame sẽ phát triển mạnh hệ thống thanh toán qua POS bằng việc hợp tác với các ngân hàng VCB, VIB, DongA Bank… 

Ông Sơn cho rằng, việc các game online liên minh thanh toán qua hệ thống thẻ là một hình thức hợp tác rất hay, vì tạo sự thuận lợi cho các đại lý và game thủ. VinaGame cũng có kế hoạch xây dựng một cơ chế hợp tác giữa hệ thống thẻ thanh toán tự động (POS) của VinaGame với hệ thống của các doanh nghiệp khác trong tương lai.

Cổng thanh toán bro.vn của CyberWorld cũng kết hợp với nhiều nhà thanh toán dịch vụ trực tuyến khác tạo ra nhiều tiện ích cho game thủ. Cổng này cho phép nạp tiền từ nhiều phương thức: Thẻ Cyber Cash, tin nhắn SMS, thẻ Vcoin, thẻ Onpay hay mạng Paynet…

“Ngân hàng ảo” chờ chính sách

Ông Phan Sào Nam cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh qua mạng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó có tiềm lực để tự phát triển một hệ thống thanh toán riêng, đó chính là lý do khiến thương mại điện tử bị bế tắc ở khâu thanh toán. Với hạ tầng kỹ thuật hiện nay, VTC Paygate có thể làm chức năng thanh toán thông qua hình thức làm đại lý phân phối cho các nhà cung cấp dịch vụ. VTC Paygate sẵn sàng mở cửa làm dịch vụ thanh toán cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số và thương mại điện tử. Các doanh nghiệp này chỉ việc phân phối dịch vụ còn VTC Paygate sẽ làm chức năng thanh toán. Vấn đề an ninh sẽ được đảm bảo với lỗi kỹ thuật của hệ thống bằng 0%.

Song theo ông Nam, khó khăn lớn nhất của các ngân hàng ảo hiện nay là thiếu chính sách. Nhà nước vẫn chưa có một văn bản quản lý nào liên quan đến lĩnh vực thanh toán trực tuyến. Một khía cạnh khác, những quy định của cơ quan thuế liên quan đến hóa đơn, thuế… cũng không thể áp dụng trong thanh toán trực tuyến. Đó là lý do khiến các nhà cung cấp đang dè dặt trong mở rộng dịch vụ thanh toán.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số cuối tháng 6/2008