Chủ tịch Kim không nêu cụ thể "con đường mới" sẽ như thế nào. Có thể cảnh báo của ông chỉ là những ngôn từ mạnh bạo như thường thấy và nhà lãnh đạo của Triều Tiên dường như có rất ít lựa chọn ngoài việc trực tiếp mời gọi Tổng thống Donald Trump.

{keywords}
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un khi phát biểu đầu năm 2019 ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: KCNA/Reuters)

Trong những tuần gần đây, truyền thông Triều Tiên cảnh báo Bộ Ngoại giao Mỹ có nguy cơ khiến tình hình căng thẳng trở lại khi tăng cường cấm vận đối với Bình Nhưỡng và khen ngợi ông Trump về nỗ lực tiếp tục đối thoại. Và giữa lúc cả hai bên cố gắng tìm kiếm đột phá cho các cuộc đàm phán đang bị sa lầy, bài phát biểu đầu năm mới cho thấy Chủ tịch Kim Jong Un chuyển trọng tâm khỏi phi hạt nhân hóa và ngụ ý sẽ bao gồm các nước khác ngoài Mỹ.

Câu hỏi đặt ra đó có phải là một tín hiệu thất vọng?

Hồi tháng 6, ông Kim đã cam kết sẽ làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa tại cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump ở Singapore. Nhưng kể từ đó đến nay có rất ít tiến bộ đạt được, và một cuộc gặp cấp cao giữa hai bên bị hủy hồi tháng 11.

Bình Nhưỡng yêu cầu Washington bỏ cấm vận và chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 để đổi lại việc tháo dỡ cơ sở hạt nhân Punggye-ri và một nhà máy động cơ tên lửa then chốt. Washington cũng đã thể hiện thiện chí, chẳng hạn ngừng một số cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nói rằng các bước đi ban đầu của Triều Tiên là không thể xác nhận và dễ dàng đảo ngược.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Triều Tiên sẽ không bị ép buộc phải cung cấp danh sách cơ sở và vũ khí hạt nhân, trong khi một đặc phái viên Mỹ đề nghị tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo.

Nhưng trong bài phát biểu ngày 1/1, Kim Jong Un yêu cầu "chấm dứt hoàn toàn" mọi cuộc tập trận chung và lên án gay gắt chiến dịch cấm vận.

"Thông điệp của ông ấy là 'chúng tôi đã làm những gì chúng tôi nói sẽ làm ở Singapore, nhưng Mỹ hành động rất ít để đổi lại'", hãng tin Reuters dẫn lời nhà khoa học chính trị Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts bình luận.

Vậy "con đường mới" mà ông Kim nói đến có nghĩa là gì?

Báo chí Triều Tiên tăng cường chỉ trích Mỹ, cảnh báo nguy cơ trở lại thời kỳ đối đầu nếu cấm vận và áp lực vẫn tiếp tục. Nhưng theo giới chuyên gia, điều đó chứng tỏ Bình Nhưỡng đang thất vọng chứ không hẳn là báo hiệu một "con đường mới".

"Bài phát biểu của ông ấy chủ yếu nhấn mạnh yêu sách về một thỏa thuận công bằng, chứ không có nguy cơ sẽ quay trở lại", Reuters dẫn lời bình luận của Cheong Seong-chang, thành viên cấp cao của Viện Sejong Hàn Quốc.

Như vậy, "con đường mới" có thể ngụ ý đặt trọng tâm vào những nhượng bộ mà không liên quan đến giải giáp hạt nhân diện rộng theo kiểu các cam kết hành động - đổi - hành động.

Kim Joon-hyung, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong, nhận định một viễn cảnh có thể là Triều Tiên dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyong và liệt kê các cơ sở bí mật để đổi lấy được nới lỏng cấm vận, chẳng hạn như khởi động lại một phần các dự án kinh tế liên Triều.

Chủ tịch Kim Jong Un đã khẳng định trong bài phát biểu rằng ông sẵn sàng mở cửa trở lại khu công nghiệp Kaesong và cho phép tiếp cận khu nghỉ dưỡng Núi Kim Cương (vô điều kiện).

Tuy nhiên, theo nhà khoa học chính trị Vipin Narang, vẫn còn đó một cơ hội hạn chế kho vũ khí của Triều Tiên. "Mỹ nên xác định đâu là cái giá cho một mức trần với chương trình hạt nhân Triều Tiên, vì nó sẽ là một mục tiêu thực tế và quan trọng".

Liệu Triều Tiên có muốn chuyển trọng tâm khỏi Mỹ?

Bài phát biểu năm mới của Kim Jong Un kêu gọi khởi động các cuộc đàm phán đa phương để chính thức tuyên bố chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên - một ý tưởng mà Hàn Quốc đã khơi ra trước đó.

Theo giáo sư Kim, điều đó có nghĩa là Triều Tiên sẽ làm việc với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác để thúc ép Washington. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong đó cựu đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Lee Soo-hyuk tỏ ra nghi ngờ viễn cảnh này, viện dẫn những trở ngại như tình trạng đàm phán song phương bế tắc, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra còn Tổng thống Trump không thích các cơ chế đa phương.

"Điều đó không hề dễ dàng, và chẳng bên nào đạt được thành công ngay lập tức, nhưng ngoại giao là có thể. Trung Quốc và các nước khác có thể sẽ được mời tham gia", Reuters dẫn lời Patrick Cronin, Chủ tịch phụ trách an ninh châu Á – Thái Bình của Viện Hudson ở New York.

Thanh Hảo