Thi đốt tiền để nấu đậu xanh, tranh phần lái máy bay đi "hóng mát" rồi bị lạc... là những kiểu tiêu tiền dị thường của những tay chơi khét tiếng miền Nam trước đây.
Đại gia bỏ trăm triệu săn chè cổ chơi cảnh
Những quái chiêu săn "sản vật" phòng the của đại gia Việt
Bi hài 'đại gia' vung tiền tỷ xây lăng mộ
Điểm danh đại gia Việt kiều nổi danh bốn phương
Những quái chiêu săn "sản vật" phòng the của đại gia Việt
Bi hài 'đại gia' vung tiền tỷ xây lăng mộ
Điểm danh đại gia Việt kiều nổi danh bốn phương
Công tử Bạc Liêu là "quý danh" gắn với Trần Trinh Huy (1900-1973), còn gọi là Ba Huy, tay chơi khét tiếng phóng túng, được coi là không có đối thủ ở miền Nam Việt Nam thập niên 1930, 1940.
Trần Trinh Huy tên thật là Trần Trinh Quy, con trai đại gia Trần Trinh Trạch ở Bạc Liêu - một trong "Tứ đại phú hộ" huyền thoại của đất Nam Kỳ thời bấy giờ. Ba Huy từng du học ở Pháp, nhưng thành tích học tập sau ba năm không phải bằng cấp mà là một người vợ Pháp và một đứa con, được gửi lại Paris sau khi công tử này về nước. Do nước da ngăm đen, Ba Huy còn mang biệt danh "Hắc Công Tử".
Với tính cách dễ dãi và hào phóng, Ba Huy khá được lòng mọi người, từ người ở cho đến các phú hào. Với người Pháp, Ba Huy cũng cư xử sòng phẳng, ngang hàng vì có vợ Pháp, lại thuộc một gia đình có thế lực.
Nhà của Hắc Công Tử ngày nay là khách sạn Công Tử Bạc Liêu.
Song hành với bản tính phóng khoáng của Ba Huy là thói quen tiêu tiền như rơm rác của công tử này. Ba Huy được biết đến với lối sinh hoạt cực kỳ xa xỉ, với những bộ đồ đắt nhất, các bữa tiệc xa hoa nhất, đi những chiếc xe hơi đẳng cấp nhất đất Sài Gòn.
Nhà của Hắc Công Tử ngày nay là khách sạn Công Tử Bạc Liêu. |
Dù có không ít nhà cửa, nhưng mỗi khi lên Sài Gòn, Ba Huy lại thuê những khách sạn nổi tiếng đắt tiền ở nơi đây. Có khi hứng lên Ba Huy thuê cả chục chiếc xe, một xe mình ngồi, những chiếc còn lại chở các món đồ cá nhân như mũ, gậy… Vốn mê cờ bạc, có lúc Ba Huy đốt 30.000 đồng chỉ trong một cây bạc, khoản tiền gần bằng tiền lương 1 năm của Thống đốc Nam Kỳ thời đó.
Ba Huy cũng được biết đến như người tổ chức hội chợ và hội thi "Hoa hậu miệt đồng" đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long, và là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay và sân bay tư nhân.
Thú chơi máy bay của Hắc Công Tử gắn với một sự kiện làm chấn động cả nước. Đó là lần ông hứng chí giành phần phi công để tự mình lái may bay ra biển Hà Tiên “hóng mát” và lạc sang tận đất Xiêm. Vị công tử đã bị chính quyền Xiêm bắt giữ và phạt 200.000 giạ lúa, báo hại ông bố đại gia phải sai một đoàn xe lớn chở lúa sang Xiêm chuộc quý tử.
Về đời tư, Ba Huy có bốn người vợ chính thức và rất nhiều nhân tình. Không thể biết chính xác ông có bao nhiêu con rơi, nhưng những đứa con được xác nhận mang dòng máu của ông đều được dòng họ thừa nhận. Hắc Công Tử qua đời năm 1973 ở Sài Gòn và được an táng ở quê nhà Bạc Liêu.
Bạch Công Tử lấy tiền làm củi để gỡ gạc thể diện
Bạch Công Tử tên thật là Lê Công Phước, còn được gọi là George Phước, là con trai thứ tư của Đốc phủ Lê Công Sủng ở tỉnh Mỹ Tho cũ. Cái tên Bạch Công Tử được đặt ra để phân biệt với Hắc Công Tử Ba Huy, người được mệnh danh là Công tử Bạc Liêu.
Bạch Công Tử vốn là người rất mê cải lương và được học về ngành sân khấu ở Pháp. Khi về nước, ông lập gánh hát Huỳnh Kỳ, là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng Nam Kỳ thời đó. Cô đào nổi tiếng nhất trong gánh hát là Bảy Phùng Há cũng chính là vợ của Bạch Công Tử.
Bạch Công Tử Lê Công Phước. |
Nếu Hắc Công Tử tiêu tốn tiền của cho các thú ăn chơi cá nhân thì Bạch Công Tử tỏ ra tao nhã hơn khi dùng phần lớn gia sản để phục vụ niềm đam mê cải lương.
Vào thời đó, hầu hết các gánh hát khác đều đi lưu diễn bằng một chiếc ghe chèo thì Bạch Công Tử tậu hẳn 3 chiếc ghe có gắn máy được trang bị như những du thuyền sang trọng để chở đoàn đào kép của mình.
Nhờ vậy mà gánh hát của Bạch Công Tử tới được cả những vùng quê xa xôi hẻo lánh, và ông được coi là người có rất nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương ở miền Nam khi đó. Tuy nhiên, tới những năm 1930, Bạch Công Tử đã phải giải thể gánh hát của mình do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Sự nghiệp cải lương của ông cũng chấm dứt từ đây.
Trong cuộc đời của mình, Bạch Công Tử Lê Công Phước không chỉ được biết đến với các gánh hát xa xỉ. Các câu chuyện về cuộc "đọ sức" của ông với Hắc Công Tử Ba Huy đã trở thành huyền thoại đất phương Nam.
Đầu tiên là câu chuyện về một lần Bạch Công Tử mời Hắc Công Tử đến xem biểu diễn ở gánh hát của mình với chủ ý khoe khoang. Đang xem hát, Bạch Công Tử móc túi lấy thuốc hút, vô ý làm rơi tờ tiền 5 đồng và cúi xuống tìm trong bóng tối. Rất lịch sự, Hắc Công Tử móc tờ 100 đồng châm lửa đốt làm đuốc soi, khiến Bạch Công Tử bẽ mặt.
Để "phục thù", Bạch Công Tử đã thách Hắc Công Tử tham gia cuộc thi đốt tiền nấu đậu xanh, với luật chơi là dùng tiền giấy đốt tiền để nấu chín một kg đậu xanh, ai nấu chín trước thì thắng. Kết quả là Bạch Công Tử thắng, dù không biết ông đã đốt hết bao nhiêu tiền cho cuộc chơi "điên khùng" này.
Chính sự ăn chơi không có điểm dừng đã khiến Bạch Công Tử thân bại danh liệt. Sau khi giải thể gánh hát, Bạch Công Tử vẫn giữ thói quen phóng túng và ngày càng lún sâu vào nghiện ngập, gia sản dần dần tiêu tán. Ông mất vào đầu năm 1950 trong cảnh nghèo túng.
Công tử Đinh bỏ tiền mua vợ
Ngoài Hắc Công Tử và Bạch Công Tử, còn nhiều vị công tử ăn chơi khét tiếng khác đã được lưu danh ở đất Nam Kỳ. Trần Trinh Đinh, một người anh trong số 7 anh em của gia đình Hắc Công Tử cũng là một tay ăn chơi có hạng. Nắm trong tay nhà máy xay sát lúa gạo lớn nhất Nam Bộ thời đó, tiền bạc đối với Đinh chả là… cái đinh gì cả.
Công tử Đinh có một thói quen lập dị là đi đâu cũng mặc xà rông – trang phục truyền thống của người Khmer. Điều này bắt nguồn từ một cậu chuyện rất kỳ quặc. Đó là một lần tay tài xế chở Đinh mang theo người vợ gốc Khmer, có nhan sắc rất hấp dẫn, khiến Đinh như bị bỏ bùa.
Đinh "hỏi mua" tài xế: "Mày bán vợ cho tao, bao nhiêu tao cũng mua". Gã tài xế rất bực, nhưng vẫn ra một cái giá "trên giời": 20.000 đồng – một khoản tiền kếch sù thời đó. Thế mà Đinh "mua" thật và sống với người vợ này đến cuối đời.
Sinh ra trong một gia tộc giàu nứt đố đổ vách xứ Bạc Liêu, nhưng Công tử Cân (Phan Kim Cân) lại được biết đến với thói ngang tàng của mình. Một lần, Cân cưỡi ngựa đi chơi, bỗng gặp ở bờ sông một cô gái đẹp tuyệt trần, khiến Cân nhìn mà bần thần cả người. Sau khi đã tỉnh táo trở lại, Cân quyết định về nhà lấy… súng và đi ca nô đến nhà cô gái để bắt cóc.
Cân không biết rằng đó chính là con út của Bá hộ Bành Tòng Mậu, một điền chủ lớn trong vùng. Người nhà Bá hộ Mậu rượt theo nhưng không kịp đành báo quan rằng con gái bị một tên lưu manh cướp mất. Câu chuyện ầm ĩ cả một vùng, nhưng rốt cục thì nhà Bá hộ Bành Tòng Mậu cũng phải hòa giải vì khoản đền bù hậu hĩnh và thế lực rất lớn của nhà công tử Cân. Cũng may là người con gái đã đồng ý về ở với Cân và được Cân yêu thương rất mực.
Với tính cách khẳng khái của mình, Phan Kim Cân đã trở thành người che chở cho nhiều cán bộ quan trọng của Việt Minh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Khi Bạc Liêu bị Pháp chiếm đóng, ông đã rũ bỏ cuộc sống trưởng giả để đi theo cách mạng và trở thành ủy viên tài chính ngân khố tỉnh Bạc Liêu trong chính quyền được thành lập sau cách mạng Tháng Tám.
(Theo Kiến thức)