Sáng 27/07, đoàn Trại hè Việt Nam 2023 với sự tham dự của 120 kiều bào trẻ đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đã dừng chân tại Quảng Bình và khám phá vẻ đẹp động Phong Nha.
Đoàn trải nghiệm đi thuyền trên sông Son, tiến vào khu vực động và đi bộ đoạn đường khoảng 400m bên trong, chiêm ngưỡng sự kỳ diệu của tạo hóa.
Bạn Thuý Hạnh (kiều bào Slovakia) thích thú thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời dọc trên dòng sông Son để du ngoạn vào động Phong Nha. Đặc biệt, hệ thống thạch nhũ rất ấn tượng, lạ mắt.
Bạn Hưng Thịnh (kiều bào Bulgaria) chia sẻ: “ Em thích chụp ảnh phong cảnh, lúc đi thuyền vào động, em có nhiều cơ hội chụp những bức hình đẹp. Thời gian tới khi quay trở lại đây, nhất định em sẽ tham gia trải nghiệm du lịch mạo hiểm bằng thuyền Kayak".
Đặc biệt ấn tượng trước khung cảnh rất hùng vĩ của vườn quốc gia, bạn Hồng Quang (Hy Lạp) bày tỏ: "được đi dọc đất nước cùng đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2023, em càng thấy tự hào vì cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước mình”.
Đoàn Thanh, thiếu niên kiều bào dừng chân tại Quảng Bình, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam.
Khi đi thuyền trên sông, các bạn trẻ được ngắm thiên nhiên và cảnh vật hữu tình ở nơi đây với màu xanh trải dài mướt mắt.
Bên cạnh khám phá vẻ đẹp do mẹ thiên nhiên ban tặng, nhiều bạn kiều bào trẻ trong đoàn đại biểu “Trại hè Việt Nam năm 2023” cũng quan tâm đến việc phát triển du lịch gắn với công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.
Bạn Lưu Nguyên Anh (kiều bào Mỹ) cho biết, “Việt Nam mình có nhiều danh lam thắng cảnh, em cùng các bạn đã được đến tham quan Ninh Bình và hôm nay là Quảng Bình. Hai tỉnh đều có sông, núi đẹp, được Nhà nước đưa vào khai thác du lịch. Việc khai thác du lịch góp phần phát triển kinh tế nhưng em hi vọng việc khai thác tiềm năng đó sẽ hài hòa với công tác bảo tồn, gìn giữ các di sản biền vững để khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế”.
Cửa động được ví như chiếc bát úp.
Cùng quan điểm với Nguyên Anh – bạn Ngọc Ánh (kiều bào Nga) trước khi đến khám phá động Phong Nha, đã ghé thăm Bảo tàng tỉnh Quảng Bình.
"Hôm nay, được trải nghiệm một phần cảnh quan đó, em thấy hứng khởi, mong Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì và bảo tồn được hệ sinh thái này thật tốt”, Ngọc Ánh bày tỏ.
Trần động có nhiều thạch nhũ rủ xuống giống thác nước.
Đoạn đường bộ trong động, giúp du khách có nhiều cơ hội chạm vào thạch nhũ. Các kiều bào trẻ vui vẻ chụp ảnh kỷ niệm tại nơi này.
Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới tại Hội nghị lần thứ 27 Ủy ban Di sản Thế giới tại Paris, Pháp ngày 03/7/2003. Vườn quốc gia này giáp khu bảo tồn thiên nhiên Hin Namno ở tỉnh Khammouan (Lào) về phía tây.
Trong đó, động Phong Nha nổi bật nhất với chiều dài khảo sát lên tới gần 8km, có 14 hang, có dòng sông ngầm dài 13.969 m. Các thạch nhũ trong động trải qua hàng triệu năm kiến tạo từ nước có hòa tan đá vôi, tích tụ thành những hình tượng lạ mắt như hình sư tử, hình ngai vàng, hình đức Phật v.v. Tất cả làm nên vẻ đẹp hùng vĩ, mang tới cảm giác lý thú, thư thái và dễ chịu cho du khách tới đây tham quan.
Cửa động có chiều rộng từ 20-25m và chiều cao 10m, trông giống như một cái bát to úp trên mặt nước, giúp thuyền bè dễ dàng đi qua. Đây cũng là nút giao của ánh sáng khi con thuyền lênh đênh trên mặt sông trong veo và phẳng lặng như gương, dần dần đi vào bóng tối và khám phá những điều huyền bí.
Năm 2023, Quảng Bình phấn đấu đón từ 3-3,5 triệu lượt du khách, trong đó có 100 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 3.400-3.900 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm địa phương tập trung huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực làm du lịch; quảng bá, xúc tiến, liên kết du lịch, hỗ trợ du khách; xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp và thân thiện.
Ngoài ra, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Cụ thể:
Đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú về các giá trị tài nguyên du lịch nổi bật của Phong Nha - Kẻ Bàng cho người dân, “mỗi người dân là một hướng dẫn viên/ đại sứ du lịch”, từ đó, người dân chung tay, đồng hành cùng chính quyền trong giữ gìn an toàn, an ninh trật tự, cảnh quan môi trường và phát triển du lịch. Tuyên truyền đối với cộng đồng dân cư vùng đệm để nâng cao nhận thức cùng chung tay bảo tồn các giá trị di sản.
Tiếp tục nghiên cứu triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có các nội dung liên quan Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với mục tiêu phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo của di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, định vị Quảng Bình là điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của Châu Á.
Quảng Bình sẽ tập trung nguồn lực, thu hút nguồn đầu tư cho phát triển du lịch.
Đồng thời, tiến hành rà soát các quy hoạch có liên quan đến phát triển du lịch đã phê duyệt để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện để thu hút đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng du lịch tại khu vực như Phong Nha - Kẻ Bàng, như: điểm dừng chân, các khu vui chơi giải trí, chợ đêm, khu dịch vụ, trung tâm thương mại, ẩm thực, khu, tuyến, điểm du lịch, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn...
Ngoài ra, có các chính sách đặc thù, xây dựng môi trường du lịch bình đẳng văn minh để thu hút các nguồn lực, huy động hiệu quả các nhà đầu tư về phát triển du lịch.
Trong đó, chú trọng hoàn thiện và đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch hiện đại, đầu tư các dự án mang tính động lực, cơ sở lưu trú cao cấp, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai, hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đầu tư, đảm bảo Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đủ điều kiện công nhận trước năm 2025.