Huyện Kiến Xương (Thái Bình) đã có công văn, yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện đầy đủ các nội dung theo kế hoạch của UBND huyện về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn năm 2021. Đặc biệt là bệnh lở mồm long móng và viêm da nổi cục.
Bệnh lở mồm long móng ở trâu bò do virus gây ra, hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp trên để không để dịch bệnh xảy ra góp phần chăn nuôi có hiệu quả.
Sau Tết Nguyên đán, dịch lở mồm long móng có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Để đề phòng dịch lở mồm long móng xuất hiện trở lại, UBND huyện cũng đưa ra khuyến cáo đến các hộ chăn nuôi:
-Chú ý nghe các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, để chủ động che chắn chuồng trại không để bò sữa bò thịt bị rét, bị mưa nhiễm lạnh. Tuyệt đối không để con vật bị ướt do nước mưa, không để nền chuồng bị đọng nước, đặc biệt đối với chuồng nuôi bê nghé.
-Tiêm phòng vaccine lở mồm long móng, đây là biện pháp nhằm tạo miễn dịch chủ động cho con vật, hiện nay mạng lưới thú y cơ sở đã và đang phát động đợt tiêm phòng vaccine lở mồm long móng , gồm cả tiêm địa trà và tiêm bổ sung.
kể cả tiêm phòng đại trà cũng như tiêm phòng bổ sung. Bê, nghé đủ một tháng tuổi là thực hiện việc tiêm vác xin để tạo miễn dịch.
-Vệ sinh tiêu độc chuồng nuôi, dụng cụ, vật dụng chuồng nuôi hàng ngày, đây là điều kiện bắt buộc đối với người chăn nuôi nhằm ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập.
Để đảm bảo hiệu lực của các loại thuốc sát trùng, thực hiện vệ sinh cơ giới trước sau đó thực hiện phun phòng trên diện rộng cả khu vực xung quanh chuồng nuôi và trong chuồng nuôi, kể cả khi đang có gia súc trong chuồng nuôi. Một số loại thuốc sát trùng sử dụng có hiệu quả (như Vikol, Haniodin, Hanamit …) trong quá trình sử dụng thuốc sát trùng nên đổi thuốc để tránh hiện tượng nhờn thuốc sát trùng.
Những ngày thời tiết ẩm thấp, mưa phùn, ẩm thấp mầm bệnh phát triển nhanh nên cần tăng cường thời lượng phun thuốc sát trùng. Những ngày hanh khô nếu có ánh nắng còn tranh thủ đem các dụng cụ, vật dụng chuồng nuôi (như máng ăn, máng uống, bình đựng sữa …) ra nơi có ánh nắng để làm sạch, phơi khô nhằm diệt mầm bệnh xâm nhập.
-Tổng vệ sinh môi trường - một biện pháp nhằm diệt và ngăn chặn mầm bệnh đang lưu hành ngoài môi trường. Đặc biệt ở những ngày có thời tiết mưa phùn, ẩm độ cao. Biện pháp này cần được thực hiện đồng bộ từ đường làng ngõ xóm, đến các hộ gia đình, khu vực chuồng nuôi. Cần chú ý làm tốt việc tổng tẩy uế, phun thuốc sát trùng ở các khu vực có nguy cơ mắc bệnh cao như ở các chợ, các điểm bán động vật và sản phẩm động vật, nơi có ổ dịch cũ, khu vực chứa rác thải …
-Khi phát hiện con vật có những triệu chứng không bình thường, như: Con vật bỏ ăn, không nhai lại, nước dãi nhiều và trắng như bọt xà phòng.
Ở miệng, vành móng có vết loét, con vật đi lại khó khăn báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở đến để có biện pháp can thiệp kịp thời. Dừng ngay việc chăn thả để không để lây lan bệnh ra xung quanh, tách riêng con vật ra một khu riêng để theo dõi và có hướng điều trị thích hợp.
Trong kế hoạch trên, UBND huyện cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi theo dõi đàn trâu, bò, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Thực hiện nghiêm việc kê khai hoạt động chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn theo quy định.
Thống kê chi tiết, rà soát, kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn trâu, bò tại địa phương và thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tình hình dịch bệnh về UBND huyện theo quy định.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các bến đò, phà, các hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật và các sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý.
Huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị hoá chất, vôi bột để thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng và xử lý khi có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.
UBND huyện Kiến Xương cũng đề nghị, nếu địa phương nào không quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, để phát sinh và lây lan dịch bệnh, chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND huyện.
Trần Thường