-Theo KTS Trần Huy Ánh, ngày nay, công trình mới mọc lên nơi nơi, xấu có đẹp có, hữu ích giản dị nhiều và phù phiếm lãng phí cũng không ít, và có chung một ghi nhận: công trình nhiều như vậy, quy mô lớn như vậy nhưng cảm xúc chẳng lưu lại không được bao nhiêu.
Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4 là ngày Kỷ niệm mang tính toàn quốc, và cũng là ngày hội Truyền thống hàng năm của Hội KTS Việt Nam (27/4/1948-27/4/2012) và giới KTS cả nước. Nhân ngày Kiến trúc Việt Nam (27/4/2016), VietNamNet xin giới thiệu bài viết của KTS Trần Huy Ánh về dấu ấn kiến trúc sư và các công trình kiến trúc Việt Nam cùng những trăn trở trong bức tranh kiến trúc Việt hiện nay.
Ngày 27/4/1948, trong khi cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đang diễn ra khốc liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tập hợp số KTS Việt Nam được đào tạo tại trường Mỹ thuật Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám, đang làm việc phân tán tại nhiều nơi ở vùng tự do và chiến khu Việt Bắc, để thành lập tổ chức đầu tiên của giới KTS Việt Nam.
Tháp Phổ Minh và chi tiết đài sen bệ tháp |
Hội nghị diễn ra tại Thản Sơn, Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên (cũ ), với sự có mặt của các KTS tiêu biểu: Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Trần Hữu Tiềm, Đoàn Văn Minh, Nguyễn Ngọc Chân… tiến hành Hội nghị đã vinh dự được Bác Hồ gửi thư động viên và căn dặn.
Giới KTS Việt Nam đã lấy ngày Hội nghị thành lập tổ chức đầu tiên của giới KTS Việt Nam, nay là Hội KTS Việt Nam để làm ngày KTS Việt Nam.
Gần 70 năm qua, nhiều thế hệ KTS Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Đó cũng là công việc tiếp nối những thành tựu của hàng ngàn năm lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam, nơi biết bao con người tài năng, những bậc thầy kiến trúc Việt Nam đã để lại những công trình kiến trúc tuyệt mỹ, đem lại niềm tự hào cho đất nước. Nhân dịp tham quan kiến trúc đầu xuân 2016, chúng tôi chỉ đưa ra hai ví dụ tiêu biểu:
Thứ nhất là công trình Tháp Phổ Minh cao khoảng 17m, gồm 14 tầng. Nền tháp và tầng thứ nhất xây bằng đá, những tầng còn lại phía trên xây bằng gạch... Tầng tháp thứ nhất đặt trên bệ đá, có hai lớp cánh sen đỡ lấy tháp hình vuông, mỗi cạnh rộng hơn 5m. Bệ và tầng thứ nhất có những hình chạm nông trên mặt đá như hoa lá, sóng nước, mây cuốn, đặc trưng cho phong cách trang trí thời nhà Trần. Mặt ngoài những viên gạch các tầng trên được trang trí hình rồng.
Dựng năm 1305, trải qua hơn 7 thế kỷ, ngôi Tháp không chỉ là một công trình kiến trúc, mà còn là hình ảnh tiêu biểu của một giai đoạn hào hùng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam… Nhiều thế hệ KTS Việt Nam đã đến đây vẽ ghi và cảm nhận ý nghĩa sâu xa trong quá trình tu nghiệp, rèn rũa chuyên môn của mình. Mỗi khi chiêm bái nơi đây, hẳn các Kiến trúc sư luôn đặt câu hỏi: nằm trong quần thể các công trình kiến trúc dành cho Vương tôn quý tộc nhà Trần – triều đại đã làm nên những chiến công vĩ đại nhường ấy mà sao lưu lại những dấu ấn khiêm nhường đến vậy? Tại sao với quy mô xinh xắn như vậy mà tạo nên niềm tự hào lớn lao đến vậy? Những đường nét, hình khối uyển chuyển tinh tế, bằng cách nào để tạo ra sự bứt phá với những khuôn mẫu Ấn Độ hay Trung Hoa – vốn dày đặc những công trình tương tự?
Mặt trướcThánh đường Phú Nhai ; Những hàng chữ nho đắp nổi trên các đỉnh vòm đầu hồi Thánh đường |
Công trình thứ hai là Thánh đường Phú Nhai, khởi xây từ TK XIX, trải qua bao thử thách, Thánh đường đã từng đổ vỡ xây lại tới 4 lần, nhưng nay đứng đó cao cao 30 mét. Hai tháp chuông cao 44 métdài 80 mét, rộng 27 mét. Nhà thờ mang phong cách kiến trúc Gothic –phương Tây nhưng trên cao, tại những vị trí trang trọng là những dòng chữ tượng hình phương Đông ghi lại những lời ngợi ca sự mầu nhiệm của lòng khoan dung.
Giữa một vùng thuần nông ven biển, công trình vươn lên trời xanh thật lộng lẫy và kích thước đáng ngưỡng mộ. Theo lời kể cha xứ: nhà thờcó thiết kế nhập khẩu nhưng xây lên bởi những người thợ tài hoa Việt Nam, với chi phí vô cùng tiết kiệm và phương pháp tài tình. Sử dụng rất ít sắt thép, bê tông; xây cao đến đâu, đắp cát tới đó để làm đường vận chuyển vật liệu, giá đỡ các vòm trần, đây cũng là giải pháp làm chặt nền móng, vì vậy Thánh đường rất cao, rất nặng nhưng nền móng rất đơn giản và chi phí thấp nhất mà công trình vẫn bền vững kỳ lạ.
Ngày nay, công trình mới mọc lên nơi nơi , xấu có đẹp có, hữu ích giản dị nhiều và phù phiếm lãng phí cũng không ít, và có chung một ghi nhận: công trình nhiều như vậy, quy mô lớn như vậy nhưng cảm xúc chẳng lưu lại không được bao nhiêu. Phải chăng giới kiến trúc sư có phần trách nhiệm?
Nhân ngày Kiến trúc Việt Nam lại nhớ tới thư Bác Hồ gửi Hội nghị Kiến trúc sư ngày 27/4/1948, có đoạn “…việc kiến trúc là một việc rất quan hệ. Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng tinh thần Đời sống mới. Tôi lại mong Hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”. Mới hay lời dặn dò của Người từ những ngày đầu ấy không chỉ dành riêng cho giới Kiến trúc sư.
KTS Trần Huy Ánh