Đại diện Ban QLDA 6 thông tin, Bộ GTVT vừa phê duyệt kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống)
Theo đó, phương án N02 “Giao Duyên”, do Liên danh Công ty CP tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm và Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải thực hiện, được hội đồng chấm giải Nhất. Phương án kiến trúc này được Bộ GTVT lựa chọn đầu tư xây dựng.
Với thiết kế này, sẽ có 2 cầu riêng qua sông Đuống dành cho đường bộ, đường sắt thay vì kết hợp hai loại hình đi chung một cầu như hiện nay.
Cầu Đuống đường sắt có chiều dài dự kiến khoảng 330m, kết cấu phần trên dự kiến sử dụng nhịp bằng thép, kết cấu phần dưới bằng bê tông cốt thép. Còn cầu Đuống đường bộ có chiều dài dự kiến khoảng 472m, chiều rộng 16m. Cả 2 cầu trên đạt tiêu chuẩn thiết kế với tốc độ 80km/h.
Phương án kiến trúc cầu sông Đuống được Bộ GTVT lựa chọn (Ảnh: Ban QLDA 6) |
“Hai cây cầu đường sắt và đường bộ bắc qua sông Đuống có tổng mức đầu tư dự kiến gần 1.900 tỷ đồng, được lấy từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025.
Dự án góp phần từng bước tăng cường năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía Bắc thành phố. Việc tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để đảm bảo an toàn và tránh ùn tắc.
Theo đơn vị thiết kế, ý tưởng phương án kiến trúc “Giao Duyên” được lấy ý tưởng những bông hoa trắng mọc lên từ dòng sông, tượng trưng cho những điều tốt đẹp mà trời đất ban cho dòng sông, cho con người. Ý tưởng xuất phát từ tên chữ của dòng sông Đuống là Thiên Đức. "Thiên" có nghĩa là trời, "Đức" là điều tốt đẹp.
Cùng đó là ý tưởng những bàn tay đan vào nhau trong vũ điệu lứa đôi, tượng trưng cho sự đoàn kết, giao duyên của gái trai, của con người trong cuộc sống, trong đấu tranh và xây dựng đất nước.
Cầu Đuống được thiết kế như hình ảnh ẩn dụ của sợi dây, của dòng nước, của khúc hát liên kết "duyên trời, duyên đôi lứa, duyên của sự vật và duyên của những làn điệu dân ca".
Cầu đường sắt tái hiện hình ảnh của cây cầu thép được xây dựng tại đúng vị trí này từ thời Pháp thuộc.
Còn cầu đường bộ mới có công nghệ tiên tiến, tạo hình mềm mại, thanh thoát và hướng đến tương lai. Sự giao hòa giữa hai hình ảnh đối lập của hai cây cầu là giữa quá khứ và hiện tại.
Vũ Điệp
Cầu Trần Hưng Đạo không nên có kết cấu như cầu Chương Dương, Long Biên
Dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo ở Hà Nội, với mức vốn khoảng 9.000 tỷ đồng đang được Ban quản lý dự án Giao thông Hà Nội tổ chức trưng bày các phương án thiết kế kiến trúc.