Tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả và hội nhập
Trước các vị quan khách trong nước và quốc tế, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Việt Nam Phạm Văn Trường nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng chính sách an sinh xã hội, trong đó tích cực, chủ động hướng tới cải cách chính sách BHXH, tổ chức thực hiện tốt chính sách BHYT.
Kết quả thu được trong thời gia qua rất ấn tượng. Cụ thể, năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, tỷ lệ này đạt 45% vào năm 2025, 60% vào năm 2030. Năm 2021, khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tỷ lệ này đạt 55% vào năm 2025, 60% vào năm 2030 nhằm hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Hôm 21/5, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế trực tuyến Nâng cao năng lực hoạt động của HĐQL BHXH Việt Nam: Những khuyến nghị và kinh nghiệm từ quốc tế. |
Năm 2020 đạt trên 90% dân số tham gia BHYT, hướng tới BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, tiếp tục phấn đấu phát triển ngành BHXH Việt Nam theo hướng hiện đại, đảm bảo đủ năng lực và điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ông Trường cũng thông tin, hiện, số người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên phạm vi cả nước là trên 90 triệu người, tương đương 87% dân số. Đây là một kết quả tích cực.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu, định hướng cho những năm tiếp theo vẫn cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó có giải pháp “Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH”.
Vì vậy, Văn phòng HĐQL BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo với mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia để hoàn thiện Đề án về giải pháp trên trình Chính phủ ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của HĐQL BHXH Việt Nam đáp ứng yêu cầu thực tế, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Những khuyến nghị và kinh nghiệm từ quốc tế
Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Washington, Mỹ, ông Micheal Kidd - Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới góp ý, mỗi tổ chức lại có cách quản trị khác nhau và mỗi tổ chức như ISSA; WB đều đã đưa ra một số hướng dẫn, khuyến nghị về quản trị tốt. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của HĐQL trong việc phê duyệt và giám sát các kế hoạch chiến lược; đồng thời HĐQL phải đảm bảo tính: tự quản, minh bạch, giám sát và trách nhiệm giải trình.
Micheal Kidd lập luận, phạm vi, vai trò của HĐQL BHXH bao gồm từ xác định chiến lược, mục tiêu cấp cao đến giám sát hoạt động cụ thể. Các thành viên HĐQL đại diện cho các nhóm đối tượng tham gia; định hướng, cải tiến dịch vụ cho nhóm đối tượng này.
Để làm được điều này, HĐQL cần làm tốt 4 vai trò gồm: Giám sát (sử dụng dữ liệu hoạt động và các báo cáo để tạo điều kiện giám sát, phân tích, đưa ra quyết định và thúc đẩy phát triển); Thiết lập chiến lược và hướng dẫn quản lý (đưa ra các ưu tiên và giám sát thực hiện, tạo văn hóa phục vụ cho nhân viên); Trách nhiệm giải trình (ban hành các tiêu chuẩn và các mục tiêu hoạt động để quản lý tổ chức, đo lường dịch vụ khách hàng và mức độ hài long của khách hàng); Quản lý rủi ro (xác định một cách hệ thống các rủi ro đe dọa việc hoàn thành mục tiêu của tổ chức).
Do đó, ông Micheal Kidd khuyến nghị cần: nhấn mạnh tính “giám sát” trong vai trò của HĐQL; cân nhắc thêm bổ sung các thành viên đại diện rộng hơn cho người lao động, doanh nghiệp, người dân; thành lập các tiểu ban và nhóm công tác chuyên sâu tập trung vào các lĩnh vực cần ưu tiên; tạo cơ chế để HĐQL tham vấn các ý kiến chuyên gia bên ngoài; thay đổi chế độ làm việc (tăng cường ứng dụng CNTT, họp trực tuyến…)
Tại điểm cầu Geneva – Thụy Sỹ, ông Dominique La Salle - Giám đốc chi nhánh về phát triển an sinh xã hội Hiệp hội ASXH quốc tế cho rằng, cần phân biệt rõ hơn nữa vai trò của HĐQL BHXH và BHXH Việt Nam. Cụ thể, HĐQL đưa ra chủ trương, chính sách, còn lãnh đạo Ngành BHXH triển khai thực hiện.
Để làm phân địch rõ, HĐQL cần đảm bảo sự độc lập; đồng thời phải có các tiểu ban chuyên môn sâu về các lĩnh vực để hoạch định, dự báo chính sách, ra mục tiêu, giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh trong thực hiện chính sách… Bên cạnh đó, Đề án cần đưa ra lộ trình ứng dụng CNTT và truyền thông vào hoạt động của HĐQL. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐQL BHXH.
Tại điểm cầu Australia, ông Philip O’Keefe, Chuyên gia kinh tế trưởng về bảo trợ xã hội và lao động toàn cầu - Khu vực Châu Á Thái Bình Dương góp ý, những mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT của Việt Nam trong quá trình thực hiện sẽ gặp không ít thách thức, do đó việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐQL BHXH cần được xem xết đến yếu tố nay để nghiên cứu các giải pháp hướng tới nhóm lao động khu vực phi chính thức…
Theo Quy định của pháp luật Việt Nam, Chính phủ là cơ quan cao nhất quản lý toàn diện về BHXH, BHYT. Chính phủ thành lập HĐQL BHXH để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của BHXH Việt Nam và tư vấn về chính sách BHXH, BHYT, BHTN. HĐQL BHXH hiện nay có 12 thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính là Chủ tịch Hội đồng; 02 Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là đại diện lãnh đạo: Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam là cơ quan Nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BHTN; quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, BHTN; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật. BHXH Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Y tế, Bộ Tài chính. |
Bài: Trần Thanh Thủy
Ảnh: Nguyễn Kiên Trung