Là người Mỹ gốc Nhật lớn lên ở Hawaii, hiện đang sống và làm việc ở Bangkok, sự kết hợp đa văn hoá đã tạo nên quan điểm thiết kế sâu sắc và khác biệt của KTS. Clint Nagata. Những triết lý này đã gắn liền với loạt “siêu phẩm” resort, khách sạn sang trọng bậc nhất châu Á như W Mina Seyahi ở Dubai, Fullerton Hotel Ocean Park ở Hồng Kông (Trung Quốc), JW Marriott Khao Lak ở Thái Lan, Roku Kyoto ở Nhật Bản và Regent Phú Quốc ở Việt Nam.
Kiến trúc không thể chỉ chạy theo số đông
- Sau 17 năm, Clint Nagata và Blink Design Group đã là những tên tuổi nổi danh trong lĩnh vực thiết kế khách sạn và resort. Trên hành trình này, đâu là những dấu mốc ông không bao giờ quên?
Một trong những trải nghiệm khó quên nhất của tôi chính là khi thực hiện các thiết kế trong đại dịch Covid-19. Đó là lúc chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như hạn chế việc đi lại, vận chuyển và hậu cần. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức đó, Regent Phú Quốc vẫn được xây dựng một cách trang nhã nhất. Chúng tôi đã lựa chọn màu sắc và vật liệu dựa trên kiến trúc truyền thống của địa phương, bao gồm sàn và trần nhà bằng gỗ đẹp, đồ nội thất bằng gỗ tếch, mái ngói và gạch lát sàn làm từ đất sét đỏ.
Một dự án bị ảnh hưởng bởi đại dịch là JW Marriott Khao Lak Resort & Spa. Thử thách của chúng tôi là phải tạo cho khu nghỉ dưỡng một diện mạo mới nhưng không chạy theo số đông.
“Vượt thời gian” là khẩu hiệu của chúng tôi và chúng tôi rất ý thức về việc kết hợp nội thất với kiến trúc của khu nghỉ dưỡng để tạo nên một vẻ đẹp trường tồn và khác biệt.
Dự án này là sự kết hợp tuyệt vời với văn hoá bản địa. Bằng cách làm việc với các nhà cung cấp nhỏ ngay tại địa phương, chúng tôi đã nỗ lực hỗ trợ cộng đồng, tạo việc làm để mọi người cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. Sự hợp tác đó đã mang lại cho khu nghỉ dưỡng nhiều dấu ấn thủ công được chế tác tinh tế. Mỗi lần quay trở lại nơi đây, tôi đều cảm thấy thân quen như trở về một gia đình.
- Mỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng thường gắn liền với một câu chuyện riêng về miền đất nơi nó được tạo dựng. Vậy trước mỗi dự án mới, ông sẽ làm cách nào để tìm ra những câu chuyện riêng này?
Tại Blink, chúng tôi mong muốn truyền tải ý tưởng của nhà đầu tư thành những tác phẩm kiến trúc tuyệt vời, khó quên, được lấy cảm hứng từ trải nghiệm du lịch và giao lưu văn hóa. Để làm được điều này, chúng tôi cần lắng nghe câu chuyện của chủ đầu tư về việc lựa chọn địa điểm, lịch sử địa phương, mối quan hệ cộng đồng và kết nối với du khách.
Triết lý thiết kế của tôi là đưa cả khách hàng và du khách tham gia vào cuộc hành trình với câu chuyện về địa điểm qua lăng kính thiết kế hiện đại. Chúng tôi tìm cách tạo nên các thiết kế nội thất nổi bật, nắm bắt được tinh thần của điểm đến thông qua sự đơn giản, cân bằng và tỷ lệ. Đây là một phần quan trọng của quy trình mà chúng tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và áp dụng cho tất cả các dự án. Đó là trọng tâm trong triết lý “tạo nên điểm đến” của chúng tôi.
Bất kể dự án khách sạn tọa lạc ở đâu, nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là luôn nghiên cứu truyền thống địa phương để tìm kiếm ý tưởng phù hợp cho các dự án hiện đại của mình: chúng tôi lấy cảm hứng từ các yếu tố văn hóa, vật liệu bản địa, nghề thủ công truyền thống và tác phẩm nghệ thuật. Kết quả là nhằm xây dựng một thiết kế phản ánh được những đặc điểm cơ bản của một điểm đến qua góc nhìn địa phương.
Thiết kế nên những trải nghiệm quý giá cho tương lai
- Sau Covid-19, để đáp ứng nhu cầu “chữa lành”, “bền vững”, những công trình theo xu hướng biophilia (không gian xanh thế hệ mới) ngày càng nhiều hơn. Ông và Blink đã và đang làm gì để những thiết kế của mình khác biệt trong xu hướng này?
Tính bền vững, đặc biệt trong những năm gần đây, là một từ được nhắc đến rất nhiều. Ngay từ những ngày đầu, Blink đưa tính bền vững vào đặc tính thiết kế cho mọi dự án. Tìm nguồn cung ứng vật liệu địa phương là chìa khóa trong việc tạo ra thiết kế mang tính bản địa đặc trưng và thể hiện trách nhiệm trong phát triển bền vững. Đối với tất cả các công trình cải tạo, chúng tôi luôn cố gắng thúc đẩy ý tưởng tái chế.
- Ông đánh giá xu hướng chính trong thiết kế kiến trúc và nội thất khách sạn, khu nghỉ dưỡng sẽ thay đổi như thế nào trong 5 năm tới?
Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, các chủ khách sạn mong muốn chúng tôi có thể tạo ra những tài sản có giá trị trên Instagram cho du khách. Tôi cảm thấy chúng ta nên tập trung vào việc tạo ra những khoảnh khắc đầy cảm hứng cho du khách mà không bị cuốn vào việc cần phải trở thành tiêu điểm chú ý trên mạng xã hội. Trọng tâm của thiết kế nên quay về việc tạo ra những trải nghiệm quý giá cho tương lai.
Chúng tôi thấy các khách sạn hiện đã cởi mở hơn về ý tưởng về “Work from home - làm việc tại nhà” và đang chuyển hướng để trở thành những nơi đáp ứng được nhu cầu này.
Một trong những dự án của chúng tôi có nhiệm vụ là biến sảnh khách sạn thành không gian “wework - làm việc chung”, đảm bảo được tất cả các đặc điểm để thu hút khách lưu trú dài hạn. Điều này biến ranh giới giữa công việc và nghỉ dưỡng trở nên mờ nhạt, trở thành cái mà người ta thường gọi ngày nay là “bleisure”.
Tương tự như vậy, các khách sạn cũng đang cân nhắc các giá trị mà khu vực spa đem đến cho du khách. Theo đó, spa không chỉ là nơi mang lại sự yên tĩnh và thư giãn mà nên một địa điểm mang tính xã hội hơn. Một ví dụ điển hình là WOW spa (Bar-B Spa) tại W Dubai Mina Seyahi với điểm nhấn là xích đu và quầy bar ở sảnh tiếp khách nhằm biến nơi này trở thành không gian giao lưu dành cho du khách.
Doãn Phong