- "Trong đấu tranh bảo vệ biển đảo, chúng ta kiên trì biện pháp hòa bình với phương châm 6 chữ K. Nhưng nếu bất kỳ một nước nào đem chiến tranh đến thì chúng ta sẽ phải trở lại với chữ K đầu tiên: Kiên quyết bảo vệ đất nước mình", Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son nói.
Sau nhiều cuộc triển lãm diễn ra tại các tỉnh thành, sáng nay tại bảo tàng Quân khu 3 (Kiến An, Hải Phòng), các bản đồ và tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của VN - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" đã được Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tổ chức trưng bày.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tặng tư liệu cho Quân khu 3 |
Nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ được trưng bày là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại triển lãm, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son cho hay, Quân khu 3 là 1 trong 8 quân khu của QĐND Việt Nam, đứng chân trên địa bàn trọng yếu của đất nước, có vị trí chiến lược trong thế trận phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc, quản lý và bảo vệ chủ quyền biên giới của VN với TQ cả trên bộ và trên biển.
Bộ trưởng nhấn mạnh, nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền hải đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông ngày nay là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp.
Trong đấu tranh bảo vệ biển đảo, chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiên trì biện pháp hòa bình với phương châm 6 chữ K: Kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không mắc mưu, không khiêu khích, không để xảy ra xung đột vũ trang.
"Nhưng sau hết, nếu bất kỳ nước nào đem chiến tranh đến thì chúng ta sẽ phải trở lại với chữ K đầu tiên: Kiên quyết bảo vệ đất nước mình", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Theo Bộ trưởng, triển lãm được tổ chức là hoạt động thiết thực đưa thông tin đến người dân, cán bộ chiến sĩ trong quân đội, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cho quân và dân ta, nêu cao tính chính nghĩa của công luận.
Các tư liệu cho thấy các nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến đến thời kỳ XHCN hiện nay, đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được soạn vẽ, xuất bản từ thế kỷ 16 đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Các nhóm tư liệu chính như: Phiên bản của các văn bản hành chính của chính quyền Việt Nam cộng hòa ban hành trong thời kỳ 1954 - 1975, tiếp tục khẳng định quá trình quản lý hành chính, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Sưu tầm gồm 65 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Việt Nam, phương Tây công bố từ thế kỷ 17 đến nay…
Đáng chú ý có 4 cuốn atlas do nhà Thanh và chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản (Trung Quốc địa đồ, Trung Quốc toàn đồ, Trung Quốc bưu chính dư đồ, Trung Hoa bưu chính dư đồ).
Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của TQ. Nơi nào không thuộc lãnh thổ TQ thì không được thể hiện trên các bản đồ atlas. Cương giới cực Nam của TQ trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam mà không hề nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa.
Đặc biệt, triển lãm cũng trưng bày bức thư của Đô đốc Trần Văn Chơn - Tư lệnh hải quân VN Cộng hòa gửi bà Lê Kim Chiêu là thân nhân đại úy Huỳnh Duy Thạch đã hy sinh trong trận Hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974.
Bức thư của Đô đốc Trần Văn Chơn - Tư lệnh hải quân VN Cộng hòa gửi bà Lê Kim Chiêu |
Thiếu tướng Đỗ Căn - Chính ủy Quân khu 3 cho hay, triển lãm là một dịp tốt để LLVT Quân khu 3 cũng như nhân dân trên địa bàn được tiếp cận các bằng chứng về lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa.
Toàn bộ bản đồ và tư liệu cũng đã được Bộ TT&TT trao tặng Bộ Tư lệnh Quân khu 3.
Hồng Nhì