-Sự phát triển quá nóng của condotel đang dẫn đến nguy cơ bội thực nguồn cung cho thị trường du lịch, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, các dự án condotel đã thu hút nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn rất lớn của xã hội, dẫn đến hiện tượng lệch pha dòng tiền đầu tư cũng là vấn đề rất đáng quan ngại.
Trước thực trạng trên, cùng những điểm thiếu minh bạch trong kinh doanh loại hình sản phẩm mới này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã kiến nghị 5 giải pháp giảm rủi ro, để mô hình condotel phát triển bền vững.
Sự phát triển nóng của condotel đi kèm nhiều rủi ro |
Thứ nhất, về quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể đối với loại hình công trình căn hộ condotel, Hiệp hội nhận thấy tiêu chuẩn phòng khách sạn (không có nhà bếp riêng), căn hộ khách sạn (có nhà bếp riêng), biệt thự trong khu du lịch nghỉ dưỡng, đã có tiêu chuẩn tùy theo khách sạn, resort 5 sao, 4 sao... Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp Bộ Văn hóa, thể thao, du lịch để hoàn thiện bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể đối với loại hình công trình căn hộ condotel.
Thứ 2, về pháp luật đất đai, Hiệp hội nhận thấy vấn đề này đã được quy định rõ tại khoản 3 điều 126 Luật Đất đai về thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư không quá 50 năm, tại những vùng khó khăn thì không quá 70 năm.
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ condotel thuộc đối tượng được sử dụng đất có thời hạn do không phải là dự án nhà ở. Do vậy, nhà đầu tư mua căn hộ condotel sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ và quyền sử dụng đất có thời hạn theo thời hạn sử dụng đất của dự án, khi hết hạn sử dụng đất thì được gia hạn nếu có nhu cầu theo quy định của pháp luật.
Hiệp hội nhận thấy các chủ đầu tư đề xuất hình thức giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở đối với căn hộ condotel là không phù hợp với quy định của Luật Đất đai.
Thứ 3, về tài chính đất đai, Hiệp hội nhận thấy đây là vấn đề rất lớn trong Luật Đất đai cần phải được xem xét giải quyết tổng thể, trước hết là tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở; tiền thuê đất đối với đất phi nông nghiệp trong đó có đất được quy hoạch phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng, các dự án condotel, để đảm bảo mức thu hợp lý và không bị thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước.
Thứ 4, Hiệp hội kiến nghị cho cá nhân nước ngoài được mua căn hộ condotel để đầu tư (theo Luật Nhà ở, cá nhân nước ngoài chỉ được mua nhà ở trong các dự án nhà ở thương mại ngoài khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh), nhằm tăng thêm tính thanh khoản và bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư phát triển các dự án căn hộ condotel, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển bền vững.
Thứ 5, Hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dự án condotel có trách nhiệm: (a) Công bố đầy đủ thông tin về quyền sở hữu căn hộ condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn khi bán căn hộ condotel cho nhà đầu tư thứ cấp để tránh nhầm lẫn; (b) Yêu cầu chủ đầu tư dự án condotel phải công bố các giải pháp bảo đảm thực hiện cam kết lợi nhuận; (c) Công bố minh bạch các chi phí trang bị căn hộ, chi phí quản lý trong quá trình kinh doanh, các quyền lợi mà nhà đầu tư thứ cấp được hưởng; (d) Bàn bạc, thảo luận thống nhất với nhà đầu tư thứ cấp về việc khai thác, kinh doanh căn hộ condotel sau khi đã hết thời hạn cam kết (sau 8-12 năm) để nhà đầu tư thứ cấp yên tâm đầu tư.
Quốc Tuấn
Condotel ‘đuối sức’ sau cuộc đua cam kết lợi nhuận
Từ chỗ condotel chỉ cam kết lợi nhuận chỉ 6 - 8%/năm, đến nay, nhiều dự án đã đẩy mức cam kết này lên 10%/năm, thậm chí 12 - 15%/năm. Cuộc đua này không nằm ngoài quy luật, “lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn”.
Nhà giàu bỏ tiền tỷ mua condotel: ‘Chưa nhìn thấy cuốn sổ đỏ nào’
Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, căn hộ khách sạn (condotel) là loại hình mới và hiện chưa dự án nào có sổ đỏ.