Theo nhận định của giới kinh doanh thiết bị truyền hình, năm 2017 sẽ bùng nổ thị trường thiết bị giải trí đa phương tiện Android TV Box thay thế cho sản phẩm đầu thu DVB-T2, mà nhiều nhất vẫn là những sản phẩm có giá bán tầm trung từ 800.000 - 900.000 đồng.
Do tại các đô thị lớn có quá nhiều nội dung giải trí cạnh tranh như truyền hình trả tiền, truyền hình OTT và các nội dung giải trí cao cấp khác nên hầu hết các nhà cung cấp thiết bị Android TV Box đều nhắm đến khu vực nông thôn. Với việc mở rộng mạng cáp quang và Internet băng thông rộng của các nhà mạng viễn thông, các nhà phân phối Android TV Box đặt mục tiêu: Internet băng rộng mở đến đâu, Android TV Box sẽ về tới đó.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Bộ TT&TT cần tính chuyện quản lý chất lượng kỹ thuật sản phẩm, cũng như quản lý nội dung cho thiết bị Android TV Box.
Theo ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc công ty Trường Lâm, nhà phân phối sản phẩm Karabox K1, dù nhà nước không bắt buộc phải làm hợp quy sản phẩm Android TV Box như thiết bị DVB-T2 nhưng một số nhà cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt vẫn tự làm thủ tục công bố hợp quy sản phẩm. Nhưng số này rất ít và đa số sản phẩm Android TV Box được nhập trực tiếp từ Trung Quốc, chất lượng không kiểm soát được.
Trước đây, ông Bùi Văn Tiếp, nhà phân phối sản phẩm Kiwibox đã đưa ra kiến nghị về việc nhà nước phải có biện pháp quản lý chất lượng kỹ thuật sản phẩm Adroid TV Box để bảo vệ quyền lợi người dùng. Bởi vì thị trường Android TV Box được dự báo sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong vài năm tới, với số lượng người dùng lên đến con số hàng triệu, trong khi hàng trôi nổi chiếm lĩnh một phần lớn thị trường.
Ở khía cạnh nội dung cho thiết bị Android TV Box, ông Vũ Trung Kiên cho rằng, chất lượng nội dung mới quyết định về ưu thế của sản phẩm Android TV Box, nhưng trên thực tế số lượng sản phẩm có kho nội dung riêng, nội dung chất lượng tốt, đặc biệt là nội dung có bản quyền chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số các nhà cung cấp chỉ bán thiết bị, còn người dùng phải truy cập vào kho nội dung lậu trên Google có chất lượng rất kém và không ổn định.
Trước xu thế bùng nổ thiết bị Android TV Box, ông Vũ Trung Kiên cho rằng, nhà nước phải có biện pháp quản lý nội dung để tránh tình trạng vi phạm bản quyền trên Internet tràn lan như hiện nay.
Một số ý kiến khác lại đưa ra ý tưởng, nhà nước hoặc một đơn vị sản xuất nội dung được nhà nước chỉ định xây dựng một kho nội dung riêng, để các doanh nghiệp Việt Nam bao gồm các nhà cung cấp thiết bị Android TV Box và các nhà phát triển nội dung cùng hợp tác để khai thác. Nếu phát triển riêng một kho nội dung khổng lồ của Việt Nam, các nhà cung cấp thiết bị chính hãng có thể truy cập vào và trả phí truy cập với mức rẻ để người dùng chấp nhận được. Như vậy, nhà nước dễ dàng kiểm soát nội dung trên Internet và người dùng cũng có lợi. Về nội dung, trên kho ứng dụng Gooplay Store có hàng triệu ứng dụng, nhưng chỉ có những kho ứng dụng do các nhà mạng phát triển, có server riêng, nội dung có bản quyền thì chất lượng xem tốt hơn hẳn. Do đó, nhà nước cần có chính sách để thúc đẩy các đơn vị phát triển nội dung cho thiết bị Android TV Box.
Liên quan đến vấn đề bản quyền nội dung trên Internet, đặc biệt là bản quyền phim ảnh, tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn với các doanh nghiệp, thương hiệu lớn đang có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo trên mạng và công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo vào trung tuần tháng 3/2017, ông Michael Schlesinger, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết, tại Việt Nam mô hình xem phim trên mạng đang phát triển mạnh với rất nhiều website cung cấp dịch vụ xem phim. Đáng tiếc là các bộ phim Việt Nam và quốc tế sau khi trình chiếu đã bị đưa lên mạng bất hợp pháp, chưa xin phép các chủ sở hữu. Các trang web vi phạm bản quyền này sống được là nhờ quảng cáo trên Internet, trong đó có nhiều quảng cáo đến từ các công ty, nhãn hàng khá nổi tiếng, quảng cáo sản phẩm của các công ty kinh doanh chính thống.
“MPA trông chờ Bộ TT&TT sẽ có biện pháp khuyến khích các tổ chức quảng cáo, các doanh nghiệp kinh doanh chính thống dừng việc quảng cáo trên các trang web phim vi phạm bản quyền. Mong Bộ TT&TT giúp MPA bảo vệ tác quyền các tác phẩm điện ảnh của mình, về phía MPA cũng mong muốn cung cấp thông tin cho Bộ để Bộ làm tốt công việc quản lý của mình”, Phó Chủ tịch MPA nhấn mạnh. Cũng theo ông Michael Schlesinger, phim Kong vừa chiếu ở Việt Nam đã bị quay trộm trong rạp và đưa lên mạng ngay sau khi ra mắt ở rạp.