Thông tin trên được ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ ngày 3/4 về các hoạt động nâng cao chất lượng của y tế cơ sở.
Danh mục thuốc ở trạm y tế đã được mở rộng nhưng chưa đủ
Cụ thể, trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị lên Bộ Y tế cần thiết phải mở rộng danh mục thuốc Bảo hiểm y tế (BHYT) ở các trạm, tập trung vào điều trị các bệnh mạn tính không lây, ngang bằng với phòng khám và các tuyến quận huyện.
Một khảo sát thực tế của đơn vị này với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính không lây ở bệnh viện tuyến huyện cho thấy, 80% trong số này muốn tái khám ở trạm y tế để nhận thuốc định kỳ. Việc này cũng có lợi về mặt kinh tế khi người bệnh không cần phải di chuyển, chờ đợi ở tuyến trên như hiện tại.
Từ kiến nghị của cơ quan này, Bộ Y tế đã điều chỉnh Thông tư 20 về danh mục thuốc ở trạm y tế, phần lớn đã được mở rộng nhưng chưa đủ. Vì vậy, ngành y tế thành phố tiếp tục kiến nghị mở rộng danh mục thuốc điều trị các bệnh như COPD, hen suyễn… tại trạm y tế.
Quan niệm trạm y tế chỉ phục vụ khám chữa bệnh là sai lầm
Ngoài vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết hoạt động luân phiên bác sĩ có thời hạn về tuyến dưới đã triển khai từ lâu tại thành phố. Việc này chủ yếu thực hiện với nhân viên y tế tuyến quận, huyện xuống trạm y tế phường, xã, thị trấn, tùy thuộc nhu cầu của tuyến dưới.
Bên cạnh đó, để tăng chất cho cơ sở, TP.HCM cũng tăng cường lực lượng bác sĩ trẻ xuống thực hành tại trạm y tế và kết nối bác sĩ tại trạm với bác sĩ chuyên khoa của thành phố. TP.HCM cũng có chủ trương cho phép trạm y tế ký hợp đồng với bác sĩ đã nghỉ hưu, phục vụ cho y tế cơ sở.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhận định sau đại dịch Covid-19, vai trò của trạm y tế đã thể hiện rất rõ và không thể thiếu trong chăm sóc sức khỏe người dân. Nhiều năm qua, vấn đề khó nằm ở chỗ các chính sách đãi ngộ và thu hút bác sĩ về trạm y tế. Bác sĩ ở trạm có tâm lý cảm thấy “lẻ loi một mình”, thiếu điều kiện, thiếu thuốc men. Do đó, Sở Y tế đã mở rộng các hoạt động, kết nối bác sĩ ở trạm với bệnh viện tuyến trên qua hệ thống telemedicine.
Theo ông Thượng, quan điểm trạm y tế chỉ phục vụ khám chữa bệnh là sai lầm. Trạm y tế là tổ chức điển hình của y tế cơ sở, khám chữa bệnh là hoạt động nhỏ còn phòng bệnh (truyền thông, các chương trình quản lý sức khỏe…) mới là hoạt động chính.
TP.HCM từng kiến nghị về việc phân bổ trạm y tế theo quy mô dân số mà không theo hành chính để đảm bảo hoạt động phòng chống bệnh tật. Hiện nay, khoảng 250 bác sĩ đa khoa phân bổ về 310 trạm y tế trên địa bàn TP.HCM. Tỷ lệ 0,25 bác sĩ đa khoa/10.000 dân, rất thấp so với các nước có hệ thống y tế công cộng phát triển (3-7/10.000 dân).
Theo ông Thượng, về lý thuyết, bác sĩ gia đình sẽ phù hợp nhất với y tế cơ sở. Tuy nhiên, nếu trông chờ vào việc đào tạo bác sĩ gia đình thì "chưa biết đến bao giờ".
Ở các nước phát triển, bác sĩ gia đình cũng không đủ để phục vụ. Lực lượng chính là bác sĩ đa khoa thực hành tổng quát (GP) có thể quản lý nhiều loại hình bệnh tật ở địa phương.
Tại một hội thảo mới đây do Bộ Y tế tổ chức, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng trong tương lai, cần có chính sách bắt buộc đối với tất cả bác sĩ phải có nghĩa vụ công tác tại y tế cơ sở một thời gian nhất định trong hành trình gắn bó với nghề.