Kiến nghị này của VAMA được gửi tới Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp diễn ra đầu tháng 8.

Theo Hiệp hội, trong giai đoạn từ trung và dài hạn (2023 - 2050), ngành công nghiệp ô tô trong nước cần có các chính sách ưu đãi kịp thời phù hợp với quá trình chuyển đổi nhằm đáp ứng cam kết của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu COP21.

Từ nay tới lúc phổ biến hoàn toàn xe điện, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ để hỗ trợ các dòng xe có mức phát thải thấp và không đòi hỏi đầu tư lớn cho hạ tầng trạm sạc, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, áp dụng được ngay vào thực tế như xe HEV-Hybrid Electric Vehicle, PHEV -Plug-in Hybrid Electric Vehicle. Đồng thời, cần có lộ trình và giải pháp, chính sách (thuế phí, ưu đãi đầu tư) phát triển hạ tầng trạm sạc. 

Đây là các dòng xe có thể giảm ngay tới hơn 50% lượng phát thải so với xe động cơ xăng dầu thông thường.

Lộ trình chính sách ưu đãi cho xe xăng lai điện HEV, PHEV từ 2023-2050 do VAMA đề xuất

Cụ thể, giai đoạn 2022-2030, Chính phủ cần ưu đãi đủ lớn về thuế TTĐB và lệ phí trước bạ, các loại thuế phí liên quan cho các dòng xe xăng lai điện HEV, PHEV như xe thuần điện BEV. Giai đoạn 10 năm tiếp theo từ 2031-2040, các ưu đãi này sẽ giảm dần. Từ năm 2041 trở đi, các ưu đãi này sẽ được xóa bỏ.

VAMA bày tỏ ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc cam kết và thực hiện các giải pháp đồng bộ hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, để thực hiện việc này, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ cần nhiều thời gian để đầu tư, nghiên cứu phát triển và từng bước phổ biến xe điện chạy pin. Quy mô đầu tư cần lớn, đồng bộ để hệ thống trạm sạc, tích hợp với giao thông tĩnh để đỗ xe trong lúc sạc, hệ thống nguồn phát điện đảm bảo đủ nguồn điện sạch và hệ thống phân phối và điều độ điện. Công nghệ sạc nhanh và công nghệ pin cũng sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thiện, đạt được sự thuận lợi hợp lý cho người dùng. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất xe điện còn rất cao so với khả năng chi trả của số đông khách hàng.

Vì vậy, việc giảm thuế, phí là cần thiết để duy trì sự tăng trưởng của ngành ô tô Việt Nam. 

Toyota Corolla Cross 1.8HV là mẫu xe bình dân duy nhất trên thị trường sử dụng công nghệ hybrid

Ngày 27/7/2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Chương trình hành động về Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải với lộ trình khai tử xe động cơ đốt trong.

Theo Quyết định này, đến năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. 

Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng sạc điện để cung cấp năng lượng xanh trên toàn quốc.

Như vậy, thời điểm năm 2041 dừng ưu đãi thuế phí cho xe xăng lai điện theo đề xuất của VAMA cũng là thời điểm ngành công nghiệp ô tô bắt đầu dừng dây chuyền sản xuất xe chạy xăng, dầu.

Về các ưu đãi thuế, hiện chỉ có xe điện được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mức giảm từ 3-12 điểm phần trăm so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, tính từ 1/3/2022- 28/2/2027. Trong đó, xe điện 9 chỗ ngồi trở xuống được ưu đãi mạnh nhất, áp dụng thuế suất thấp, chỉ 3% so với mức 15% thông thường.

Từ ngày 1/3/2027, mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện sẽ được áp dụng từ 5-15% như hiện hành. Trong khi đó, xe xăng lai điện như HEV, PHEV không được hưởng ưu đãi nào và vẫn chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt như xe chạy xăng dầu thông thường.

Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, hưởng lợi mức ưu đãi trên chỉ có duy nhất hãng Vinfast sản xuất xe thuần điện. Hãng Toyota và một số thương hiệu khác nhập khẩu phân phối xe hybrid chưa được hưởng ưu đãi nào dù đây là các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu và có mức phát thải thấp hơn nhiều so với xe chạy xăng dầu.

Ngoài ra, VAMA cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm phê duyệt mới Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam với các chính sách ưu đãi cụ thể, đặc thù cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho ô tô.

PHÂN LOẠI XE ĐIỆN

PHEV: Plug-in Hybrid Electric Vehicle hay PHEV có thể nạp lại pin bằng phanh tái sinh hoặc bằng cách cắm vào nguồn điện bên ngoài. Trong khi các xe hybrid bình thường có thể di chuyển 2-4 dặm trước khi động cơ xăng được sử dụng thì xe PHEV có thể đi quãng đường 10-40 dặm trước khi có sự hỗ trợ của động cơ xăng. Một số mẫu xe PHEV: Ford C-Max Energi, Ford Fusion Energi, Mercedes C350e, Mini Cooper SE Countryman, Audi A3 E-tron

HEV: Xe Hybrid Electric Vehicle- HEV được vận hành bởi cả động cơ điện và động cơ xăng truyền thống. Nguồn năng lượng điện được sản sinh ra bởi chính hệ thống phanh của xe để nạp lại pin. Hệ thống phanh này được gọi là phanh tái sinh, một quá trình mà trong đó motor điện giúp giảm tốc độ xe và chuyển một phần năng lượng thành nhiệt bằng hệ thống phanh.

Xe HEV sử dụng motor điện để khởi động sau đó động cơ xăng sẽ ngắt khi tải trọng hoặc tốc độ tăng.

Cả hai motor được điều khiển bởi máy tính trên xe để đảm bảo xe sẽ tiết kiệm nhiên liệu nhất trong từng điều kiện. Một số mẫu xe HEV là Toyota Prius Hybrid, Honda Civic Hybrid, Toyota Camry Hybrid

BEV: Battery Electric Vehicle (BEV) thường được gọi với cái tên EV (Electric Vehicle) là loại xe sử dụng hoàn toàn động cơ điện với bộ pin có thể nạp lại được và không dùng động cơ xăng. Xe BEV tích điện trong các bộ pin có dung lượng lớn và được dùng để chạy motor điện hay các bộ phận sử dụng điện khác. Xe BEV không thải ra khí gây ô nhiễm môi trường như động cơ truyền thống. Xe BEV được nạp điện bằng các nguồn bên ngoài. Bộ nạp này được phân loại dựa trên tốc độ nạp đầy pin trên mỗi xe BEV. Một số xe BEV có thể nạp bằng bộ nạp DC: Tesla Model 3, BMW i3, Chevy Bolt, Nissan LEAF, Ford Focus Electric. 

Tại Việt Nam có các xe của Vinfast như VF e34, VF8...

(Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam)

Phạm Huyền

Tin bài cộng tác gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Xin cảm ơn!