Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Chương trình hành động số 246-CTr/TU ngày 17/10/ 2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tiếp đó, Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 246-CTr/TU của Tỉnh ủy Hậu Giang để trình UBND tỉnh phê duyệt, tuy nhiên cho đến nay kế hoạch này vẫn chưa được phê duyệt.
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang cho hay, kế hoạch chưa được UBND tỉnh phê duyệt vì nhiều lý do, mà lý do chủ yếu nhất là tỉnh Hậu Giang chưa sắp xếp được nguồn vốn.
Theo dự thảo được xây dựng, nội dung chính là xây dựng chính quyền điện tử từ nay đến năm 2020. Trong đó, xây dựng nhiều hệ thống thông tin chuyên ngành về quản lý dân cư, quản lý hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trung tâm kỹ thuật an toàn mạng. Trong 5 năm 2016-2020 dự kiến chi khoảng hơn 60 tỷ đồng cho ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Số tiền này so với chi tiêu cho ứng dụng CNTT ở các tỉnh, thành khác thì chưa phải là nhiều song Hậu Giang là tỉnh nghèo nên chưa thể bố trí được ngân sách.
Hiện có nhiều ý kiến phản ánh rằng, muốn việc triển khai chính phủ được các tỉnh quan tâm đầu tư tại các tỉnh, điều quan trọng nhất là phải thay đổi được nhận thức của lãnh đạo một số địa phương. Bởi nếu lãnh đạo không hiểu được tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong cuộc sống, điều hành quản lý, triển khai công việc của các sở, ban ngành thì rất khó có thể phê duyệt ngân sách chi tiêu cho CNTT.
“Chúng tôi đã tham khảo mô hình xây dựng trung tâm hành chính công tại Đà Nẵng, Quảng Ninh và nhận thấy mô hình này phục vụ tốt cho quản lý, cũng như phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Do đó, đang phải tìm cách để thuyết phục lãnh đạo tỉnh để sớm ban hành kế hoạch này”, ông Tâm cho biết.
Khó khăn trong bố trí nguồn vốn cho CNTT còn bởi lý do dù đã triển khai ứng dụng từ nhiều năm nhưng mục lục ngân sách nhà nước vẫn chưa có khoản kinh phí riêng cho ứng dụng CNTT. Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, hiện nay trong danh mục ngân sách nhà nước chưa có danh mục kinh phí cho ứng dụng CNTT. Do đó, các tỉnh đều phải vận dụng chi phí từ nguồn chi cho khoa học công nghệ. Bởi không có mục chi riêng cho CNTT nên tỉnh sở, ngành rất khó áp dụng cơ chế chi tiêu cho phù hợp với các khoản cần đầu tư cho CNTT.
“Đây là một rào cản rất lớn, tôi cho rằng cần phải sớm xây dựng riêng một mục chi cho CNTT bổ sung vào nguồn kinh phí cấp cho các địa phương thì mới có thể tạo thuận lợi cho triển khai chính phủ điện tử”, ông Quang nói.
Bởi không có mục chi riêng cho CNTT, nên khi phê duyệt nguồn kinh phí, nhiều lãnh đạo địa phương yêu cầu phải thuyết minh rõ được hiệu quả của nguồn vốn đầu tư.
Ông Quang nhận định rằng, nếu đòi hỏi tính toán rõ ràng ngay khi lập dự án là hiệu quả đầu tư cho CNTT là bao nhiêu thì rất khó, nhưng thực tế chi cho CNTT thì sẽ tiết kiệm hơn ở các mục chi khác. Ví dụ, khi chi tiền để đầu tư cho hệ thống tổ chức hội nghị trực tuyến với nguồn vốn đầu tư ban đầu khoảng 5 tỷ đồng sẽ tiết kiệm được tiền tổ chức hội nghị theo phương thức cũ như: tiền xăng xe, tiền công tác phí, tiền thuê khách sạn, thuê phòng hội họp, tiền in ấn tài liệu… trong nhiều năm. Qua hệ thống truyền hình này cũng triển khai phổ biến các nội dung tuyên truyền tới người dân nhanh và hiệu quả hơn.