- Hầu hết các ý kiến đều thống nhất rằng, cần có cơ chế phân định rõ trách nhiệm giữa bí thư đảng ủy, hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường.
Việc thành lập hội đồng trường nhiều nơi chưa thực hiện và vẫn còn mang tính hình thức. Ảnh minh họa. |
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong số 36 trường ĐH công lập trực thuộc Bộ thì tới nay chỉ có 19 trường thành lập được hội đồng trường. 5 trường khác đang trong quá trình nộp danh sách và phê duyệt. Còn tới 11 trường chưa hề có báo cáo về việc thành lập hội đồng trường.
Nhận xét về thực tế này, ông Trần Văn Thức, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho rằng, việc thành nếu như tốt đúng như quy định thì nhiều trường đã thành lập rồi.
"Vì sao việc thành lập hội đồng trường chưa được triển khai như mong muốn. Chắc chắn là việc đó có cái làm khó cho các trường ĐH. Còn nếu mà làm hình thức thì không nên. Do đó, chúng tôi kiến nghị Bộ nên có cách làm sao đó cho hiệu quả hơn" - ông Thức đề xuất.
Ông Phạm Văn Cương, Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng cho rằng, hiện nay, Điều lệ trường ĐH cũng như Luật Giáo dục đại học đều quy định rất rõ là trường ĐH phải có hội đồng trường. Tuy nhiên, theo dõi trong danh sách Bộ thống kê thì có rất ít các trường của Bộ GD ĐT có tổ chức này.
"Như vậy khâu thực thi pháp luật của chúng ta là có vấn đề" - ông Cương nói.
Phân tích nguyên nhân, ông Cương cho rằng, việc thực hiện theo đúng các quy định về hội đồng trường là khó khăn vì trên thực tế, hội đồng trường không có quyền nhiều. Đây chính là lý do rất nhiều trường không tổ chức hội đồng trường.
Đề xuất giải pháp, ông Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội cho rằng, nên có quy định rõ về mối quan hệ giữa 3 đơn vị trong trường ĐH là Đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu để tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị hoạt động.
Ông Tùng chia sẻ, ở Viện ĐH Mở Hà Nội có mô hình mà ít trường có đó là bí thư đảng ủy chính là chủ tịch hội đồng trường. Vì thế, bí thư Đảng ủy ra nghị quyết, viện trưởng chỉ thực hiện và sau đó, bí thư Đảng ủy là chủ tịch hội đồng trường cũng thực hiện giám sát hoạt động của ban giám hiệu luôn nên khá thuận lợi.
Theo ông Tùng, tính theo pháp quyền trong nhà trường thì hội đồng trường sẽ là đơn vị hoạch định chiến lược, trả lời cho câu hỏi làm gì. Còn ban giám hiệu trả lời cho câu hỏi làm như thế nào thông qua các kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.
"Thông qua mô hình của mình, chúng tôi cũng muốn đề xuất cách làm thế nào đó cho rõ ràng hơn mối quan hệ giữa ban giám hiệu và hội đồng trường. Hiện nay quan hệ này trong các trường công lập còn rất lùng nhùng và nhiều khi rất khó" - ông Tùng đề xuất.
Bày tỏ sự "tâm đắc" với ý kiến của ông Tùng, ông Phạm Văn Cương cho rằng, cần thiết phải có một cơ chế để chủ tịch hội đồng trường phải là bí thư đảng ủy hoặc bí thư đảng ủy phải kiêm nhiệm chủ tịch hội đồng trường.
Bên cạnh đó, các thành viên của hội đồng trường phải được bầu từ tất cả các giảng viên, công nhân viên để hội đồng trường có thể là đại diện của toàn bộ trường ra quyết nghị về chiến lược phát triển nhà trường.
"Chỉ khi đó chủ tịch hội đồng trường mới thực sự" - ông Cương nói.
Ông Cương cho rằng, cần phải coi hội đồng trường giống như hội đồng nhân dân các cấp và phải có các văn bản pháp luật quy định rõ điều này, từ đó mới có thể nâng cao vị thế của hội đồng trường một cách thực chất và tất cả các trường mới có hội đồng trường.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại Hội nghị quốc tế Việt Nam học hồi giữa tháng 12/2016, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề xuất xem xét mô hình kết hợp giữa thường vụ đảng ủy với hội đồng trường nhằm tăng tính thực quyền của hội đồng trường, giúp hội đồng trường phát huy đúng vai trò của mình.
Lê Văn