Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm (tuy nhiên, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh).
Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.
Tuy nhiên, 7 hiệp hội đại diện cộng đồng các doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) , Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đề nghị có những quy định khác.
Trong văn bản gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và một số bộ ngành liên quan, các cơ quan này đã phân tích hang loạt các bất cập trong dự thảo luật hiện nay.
Kiến nghị 5 vấn đề “khẩn thiết” với doanh nghiệp liên quan Luật Lao động sửa đổi. |
Về số giờ làm thêm tối đa trong một năm và tiền lương làm thêm giờ:
Tổng số giờ được làm thêm tối đa trong một năm của Việt Nam đang bị hạn chế (200 giờ), thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam như các nước trong khối ASEAN (Thái Lan: 1.836 giờ, Malaysia: 1.248 giờ, Philippines: 1.224 giờ, Indonesia: 714 giờ) hay Trung Quốc (432 giờ), Bangladesh (408 giờ), Ấn Độ (300 giờ). Quy định giờ làm thêm thấp ảnh hưởng rất lớn tới sức cạnh tranh về lao động của Việt Nam so với các quốc gia khác.
Tình hình tuyển dụng hết sức khó khăn, thậm chí các doanh nghiệp còn phải thường xuyên đi đến các tỉnh xa để tuyển dụng mà vẫn không tuyển đủ lao động làm việc cho mình và tình trạng nghỉ việc tràn lan của người lao động như hiện nay buộc các doanh nghiệp phải tổ chức làm thêm giờ mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Ngoài ra, thời giờ làm việc tiêu chuẩn của Việt Nam là 48 giờ/ tuần, tương đương với các quốc gia đang phát triển, cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào,…nên không thể nói thời gian làm việc của Việt Nam nhiều hơn các nước nên không tăng khung thời gian làm thêm giờ.
Do đó, các doanh nghiệp kính đề nghị tăng mức thời giờ làm thêm tối đa hằng năm từ 200 giờ lên 300 giờ (đối với các ngành nghề bình thường). Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có thể tăng số giờ làm thêm từ 400 giờ lên 500 giờ với điều kiện là có nhu cầu kinh doanh chính đáng như các ngành nghề phục vụ xuất khẩu, phục vụ đơn hàng… và được sự đồng ý của người lao động đối với công việc làm thêm giờ.
Bên cạnh đó, 7 cơ quan này cho rằng, tiền lương làm thêm giờ ở Việt Nam hiện nay đã quá cao so với thời giờ làm việc bình thường (150% vào ngày thường, 200% vào ngày nghỉ hằng tuần, 300% vào ngày nghỉ lễ, tết) và cao hơn so với tiền lương làm thêm giờ của nhiều quốc gia khác như Nhật Bản (125% vào ngày thường, 135% vào ngày nghỉ hằng tuần), Đài Loan (133,3%), Philippines (125%), thậm chí tiền lương làm thêm giờ đã lũy tiến của Nhật Bản mới bằng tiền lương làm thêm giờ của Việt Nam (150%). Do vậy, chúng tôi kiến nghị không quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ để có thể đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia khác.
Về việc giảm thời giờ làm việc trong tuần xuống 44 giờ/tuần:
Tiêu chuẩn về thời giờ làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào,…đều là 48 giờ/ tuần.
“Hơn nữa, Việt Nam cũng đang trong giai đoạn dân số vàng, do vậy, không có lý do gì để Việt Nam cắt giảm thời gian làm việc trong tuần xuống 44 giờ”, đơn kiến nghị cho biết.
Giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam (200 giờ) là quá ít như đã nêu trên nên rất nhiều doanh nghiệp buộc phải “phá vỡ” Luật, vượt khung làm thêm giờ tiêu chuẩn mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Do đó, ngay cả thời giờ làm việc tiêu chuẩn cũng bị cắt giảm đi thì chắc chắn các doanh nghiệp trong nước sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, gây mất niềm tin và dần dần sẽ không còn đơn đặt hàng nào từ khách hàng nữa. Các Công ty đa quốc gia cũng sẽ phải chuyển sản xuất sang các nước khác, khối lượng công việc ở Việt Nam theo đó cũng sẽ giảm đi đáng kể.
Về thời hạn của Giấy phép lao động:
Đối với quy định: “Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm; trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm”, các doanh nghiệp xin kiến nghị giữ nguyên quy định như Luật hiện hành, không hạn chế số lần gia hạn Giấy phép lao động của người lao động nước ngoài như trong Dự thảo Bộ Luật. Đồng thời nâng thời hạn cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài từ hai năm lên ba năm.
Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là do người lao động Việt Nam không thể đảm nhận được vị trí công việc đó. Nếu theo quy định của Dự thảo Luật, thời hạn tối đa mà người nước ngoài có thể làm việc tại Việt Nam là 4 năm. Nếu trong 4 năm đó, người lao động Việt Nam vẫn không thể đảm nhận được công việc thì người lao động nước ngoài sẽ phải quay về nước, sau đó xin cấp giấy phép lao động mới và quay lại Việt Nam. Việc này gây mất thời gian, công sức và chi phí cho người lao động và doanh nghiệp. Đồng thời, trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp không có người vận hành nên không thể hoạt động được, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và kinh doanh.
Các quy định Luật hiện nay về điều kiện xin giấy phép lao động cho người nước ngoài cũng đã rất chặt chẽ, không phải lao động nước ngoài nào cũng đủ điều kiện để xin giấy phép lao động, mà chỉ có các chuyên gia và các lao động kỹ thuật cao. Quy định như Dự thảo Bộ Luật sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn, làm hạn chế về môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Định nghĩa về tiền lương:
Trong quy định của Bộ Luật hiện hành, tiền lương là “khoản tiền” mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Còn trong Dự thảo Luật lại quy định tiền lương là “tổng số tiền” mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Việc định nghĩa về tiền lương theo Dự thảo Bộ Luật sẽ dẫn tới các khoản tiền không cố định hàng tháng như lương làm thêm giờ, các trợ cấp khác cũng được tính là tiền lương để đóng bảo hiểm.
Trên thực tế, tỷ lệ đóng bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay đã tương đối cao (NSDLĐ 21,5%; NLĐ 10,5%) và cao hơn so với rất nhiều quốc gia khác như: Thái Lan (NSDLĐ 5%; NLĐ 5%), Philippines (NSDLĐ 7.37%; NLĐ 3.63%), Indonesia (NSDLĐ 4.24%-5.74%; NLĐ 2%), Ấn Độ (NSDLĐ 10.5%-12.5%; NLĐ 10-12%),… Việc quy định cộng cả lương làm thêm giờ và các trợ cấp khác vào tiền lương để đóng bảo hiểm sẽ khiến số tiền đóng bảo hiểm đã cao lại càng cao hơn nữa, tạo thêm gánh nặng cho cả người lao động và cả doanh nghiệp.
Do vậy, 7 tổ chức này kiến nghị giữ nguyên định nghĩa về tiền lương như quy định tại Bộ Luật hiện hành, là “khoản tiền” mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Về quy định doanh nghiệp bố trí cho toàn bộ công nhân viên nghỉ 1, 2 ngày để thực hiện quyền công đoàn.
Cả 7 tổ chức này kiến nghị không quy định vấn đề này trong Dự thảo Bộ Luật. Lý do là trong một năm doanh nghiệp đã phải bố trí rất nhiều thời gian để đào tạo công nhân viên như đào tạo ý thức, tác phong; huấn luyện an toàn hóa chất; huấn luyện an toàn vệ sinh lao động;… mất hàng chục ngày trong năm.
Do vậy, quy định doanh nghiệp bố trí cho toàn bộ công nhân viên nghỉ 1, 2 ngày để thực hiện quyền công đoàn là không cần thiết, tạo thêm quá nhiều gánh nặng và trách nhiệm cho doanh nghiệp.
Tư Giang