Theo tin từ Sở TT&TT Kiên Giang, mới đây Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – ông Phạm Vũ Hồng đã đồng ý cho Sở TT&TT phối hợp các sở, ngành liên quan lần đầu tiên tổ chức đánh giá, công bố mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền của các sở, ngành tỉnh và các huyện, thành phố trong tỉnh năm 2018.
Trong năm 2018, nhằm triển khai chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước tỉnh Kiên Giang năm 2018, Trung tâm CNTT và Truyền thông Kiên Giang phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Chương trình bồi dưỡng, tập huấn kiến thức công nghệ thông tin gồm có 4 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin, 3 lớp tập huấn bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyên trách công nghệ thông tin, 2 lớp Bồi dưỡng phát triển đội ngũ đảm bảo an toàn thông tin và ứng cứu sự cố máy tính.
Qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn đã giúp cho cán bộ, công chức viên chức trong các cơ quan, đơn vị có cái nhìn tổng quan về tình hình an toàn thông tin trong nước, cũng như trên địa bàn tỉnh; trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin để tự bảo vệ, lưu trữ dữ liệu và khai thác internet một cách an toàn, hiệu quả...
UBND tỉnh Kiên Giang đã triển khai họp để khai thông các vướng mắc khi triển khai chính quyền điện tử. Ảnh theo Sở TT&TT Kiên Giang |
Theo công bố của Bộ TT&TT bảng xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển Chính phủ điện tử cho 3 khối: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới nhất.
Theo đó, về xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử chung của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Kiên Giang được xếp ở vị trí thứ 5 so các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (sau An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ) và xếp ở vị trí thứ 29 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo Sở TT&TT Kiên Giang, vướng mắc lớn nhất trong triển khai chính quyền điện tử hiện nay là chưa có quy định, cơ sở pháp lý, hướng dẫn rõ ràng về chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, giữa các cơ quan Nhà nước với người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Thiếu cơ sở pháp lý về xác thực, bảo vệ dữ liệu trong các giao dịch trên môi trường mạng. Thiếu các quy định, giá trị pháp lý về công tác văn thư, lưu trữ và các văn bản quy định việc sử dụng trong giao dịch hành chính, thanh toán điện tử...
Bên cạnh đó, còn thiết bị CNTT và giao diện phần mềm nhiều nơi chưa tương thích hoặc cũ (một số cơ quan, đơn vị vận hành song song nhiều phần mềm cùng một lúc), làm ảnh hưởng đến việc xử lý văn bản thông qua mạng diện rộng, đội ngũ tham gia vận hành một số nơi chưa phù hợp, việc thực hiện chữ ký số hiện nay chưa đồng bộ,…
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã yêu cầu người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị phải nâng cao nhận thức, tư duy về đẩy mạnh ứng dụng CNTT thì mới xây dựng được nền hành chính hiện đại. Trong thời gian tới, phải hiểu được mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với nhau và giữa cơ quan hành chính với người dân thì mới thông suốt, giải quyết được yêu cầu trong quá trình hoạt động. Việc xây dựng Chính quyền điện tử, mục đích cuối cùng là giải quyết được yêu cầu cần thiết của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Một cửa và một cửa liên thông phải thông suốt 4 cấp, tập trung vào vận hành ứng dụng phần mềm. Chủ tịch tỉnh đã giao Sở TT&TT Kiên Giang nghiên cứu quy chế phối hợp thực hiện với các sở, ban, ngành; phải thực hiện nghiêm việc xử lý văn bản qua môi trường mạng, cập nhật tất cả các quy hoạch, hồ sơ đấu thầu của từng địa phương lên trên Website, cổng thông tin của từng cơ quan, đơn vị có liên quan đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp; một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến phải kết nối, xử lý và thông suốt với các cơ quan, đơn vị, huyện, gắn hệ thống quản lý chất lượng ISO điện tử, nghiên cứu, hướng dẫn mở tài khoản Email cá nhân để phục vụ tốt cho nhân dân, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, chủ yếu tập trung đầu tư cho trang thiết bị.
UBND tỉnh Kiên Giang sẽ ưu tiên cho Sở TT&TT tập trung kinh phí cho phát triển Chính quyền điện tử. Đề nghị tất cả các cơ quan, đơn vị thời gian tới phải tích hợp và thông suốt (đường truyền và phần mềm) từ Trung ương đến địa phương. Giao Sở TT&TT chịu trách nhiệm về hạ tầng CNTT, quản lý an toàn thông tin của tỉnh.