Kiên Giang là một trong những tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khoảng 69.219 hộ, hơn 275.000 người, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer, với hơn 59.220 hộ, gần 238.000 người, chiếm 13,4% dân số toàn tỉnh.
Thực hiện tiểu dự án 3 với tổng nguồn vốn được giao 7,4 tỷ đồng, tỉnh tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động ở vùng DTTS, từ đó mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tiểu dự án 3 từ năm 2022 đến nay, tỉnh tổ chức 37 lớp đào tạo nghề, với 1.043 học viên, tổng kinh phí ước thực hiện 3,6 tỷ đồng. Các lớp dạy nghề được tổ chức tại các xã, thị trấn để người dân thuận tiện tham gia. Các địa phương phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức 43 phiên giao dịch việc làm, ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm theo hình thức trực tiếp và trực tuyến cho hơn 19.090 lượt người tham dự. Từ công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm giúp hơn 7.604 người lao động tìm được việc làm ổn định, tỷ lệ người lao động qua đào tạo toàn tỉnh nâng lên 72%.
Sau 2 năm thực hiện tiểu dự án 3 phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện tiểu dự án, các đơn vị, địa phương của tỉnh Kiên Giang còn gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện tiểu dự án 3 trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, bất cập. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành Trung ương ban hành chậm và chưa đồng bộ, cụ thể; chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như yêu cầu của thị trường lao động; đối tượng học nghề là người lao động nông thôn được thực hiện theo quy định của 3 chương trình mục tiêu quốc gia nên gặp khó trong việc huy động ra lớp. Hơn nữa, nhận thức của người lao động vùng dân tộc thiểu số đa số còn hạn chế, nhiều nơi vẫn duy trì tập quán canh tác lạc hậu nên địa phương khó vận động người lao động học nghề, nhất là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác định tiếp tục chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát, điều tra chất lượng nguồn nhân lực, nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn, người lao động dân tộc thiểu số, từ đó tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động và thị trường lao động. Đồng thời, sở tăng cường liên kết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người lao động; đổi mới cách thức, nâng cao chất lượng đào tạo để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; hướng dẫn ghép lớp đào tạo nghề thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề để nắm tình hình cụ thể, kịp thời hỗ trợ người lao động nông thôn.