Vùng biển tỉnh Kiên Giang có diện tích 63.000 km2 và hơn 143 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó, đảo lớn nhất là Phú Quốc. Tỉnh có 2 huyện, thành phố biển đảo là Phú Quốc, Kiên Hải và 7 huyện, thành phố ven biển. Đây là những tiềm năng và lợi thế để Kiên Giang đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế biển.

Để tiếp tục phát triển mạnh kinh tế biển, tỉnh Kiên Giang đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo. 

kien giang tau thuyen.jpg
Kiên Giang có nhiều lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển bền vững.

Theo đó, thời gian qua đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống nhân dân, quy hoạch hệ thống cảng biển, phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển…

Đến nay, tỉnh đã thu hút 805 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 390.360 tỷ đồng, trong đó, các địa phương có biển là Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Châu Thành, Kiên Hải, An Biên, An Minh thu hút 729 dự án, với vốn đăng ký hơn 186.800 tỷ đồng. Nhiều dự án công trình lớn thúc đẩy phát triển kinh tế đã hoàn thành đưa vào sử dụng như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cầu Cái Lớn và Cái Bé, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, lưới điện quốc gia ra các đảo Phú Quốc, Hòn Tre, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải. 

Tiếp đến, đưa vào khai thác các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão Lình Huỳnh, Hòn Tre, Thổ Châu, An Thới, Xẻo Nhàu, đê chắn sóng Dương Đông, hệ thống cấp điện và nước ngọt sinh hoạt các xã ven biển. Cùng đó, là hệ thống đường giao thông ven biển và trên các đảo Phú Quốc, Hòn Nghệ, Lại Sơn, Hòn Tre, Nam Du, An Sơn; hệ thống trường học, trạm y tế cho các xã ven biển, hải đảo…

Cùng với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo, năm 2021, tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn đến năm 2030 và dự án điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng biển, sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản.

Ngoài đầu tư hạ tầng, Kiên Giang đã mạnh mẽ chuyển đổi sang nuôi trồng hải sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường biển. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, hiện tỉnh đang thực hiện đề án phát triển nuôi biển nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo. Qua đó, góp phần tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân. 

Ngoài việc quy hoạch và bố trí phát triển nuôi biển cụ thể tại các huyện, thành phố như Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh, tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển 7.500 lồng nuôi cá biển, sản lượng đạt hơn 29.870 tấn; đến năm 2030 phát triển lên 14.000 lồng, sản lượng đạt hơn 105.720 tấn; nuôi nhuyễn thể 24.000 ha, sản lượng hơn 83.660 tấn. Ngoài ra, còn phát triển nuôi trai ngọc và một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao khác….

Để bước đầu thực hiện mục tiêu phát triển nuôi ven biển, ven đảo và từng bước phát triển nuôi xa khơi, đến nay, Kiên Giang đã cơ bản thực hiện tốt việc sắp xếp lại đội tàu khai thác hải sản theo hướng không tăng thêm số lượng tàu cá, chuyển đổi một phần lao động từ nghề khai thác thủy sản ven bờ sang làm nghề nuôi trồng thủy sản, nghề dịch vụ thương mại, giảm dần hoạt động đánh bắt nhằm tái cấu trúc lại lĩnh vực khai thác theo hướng bền vững.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước khi xây dựng, triển khai thực hiện đề án phát triển nuôi biển, tỉnh đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực đời sống ở những địa phương có biển. Tỉnh triển khai nhiều đề tài, dự án mô hình phục vụ phát triển kinh tế biển trên địa bàn, như xây dựng mô hình nuôi cá mú, cá bóp trong lồng bè trên vùng biển quần đảo Nam Du; mô hình nuôi sò huyết bãi bồi và dưới tán rừng phòng hộ ven biển vùng U Minh Thượng; mô hình ươm giống, nuôi thương phẩm cá chim vây vàng quy mô công nghiệp trong lồng nhựa HPDE trên vùng biển Phú Quốc….

Đồng thời tổ chức nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật và triển khai mô hình sản xuất giống, nuôi thương phẩm nhiều đối tượng thủy sản có giá trị như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, ghẹ xanh, ba khía, sò huyết, vọp, nghêu lụa, cá bóp, cá ngựa, cá trê suối Phú Quốc... Qua đó, đã góp phần phát huy thế mạnh trong sản xuất và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương vùng biển, đảo.

Lệ Yên và nhóm PV, BTV