Theo báo cáo của Sở TT&TT tỉnh Kiên Giang về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2018. Về ứng dụng phần mềm dùng chung, tính đến nay 100% sở, ban, ngành từ tỉnh đến xã triển khai phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ, đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến tập trung của tỉnh (dichvucong.kiengiang.gov.vn) kết nối với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, cung cấp 1.972 dịch vụ công.

 Về sử dụng chữ ký số: Bước đầu đã thực hiện cung cấp 78 chữ ký số cho 22 sở, ban, ngành tỉnh và 15/15 huyện, thị, thành phố. Trong đó, có 12 sở, ban, ngành đã triển khai thực hiện tốt chữ ký số gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, TT&TT, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Ngoại vụ và 03 huyện gồm: Giang Thành, An Biên, Rạch Giá, với 1.827 văn bản được ký và phát hành.

 Nhìn chung, qua hơn hai năm thực hiện, việc cụ thể hóa, triển khai chủ trương của Trung ương và tỉnh về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử ở các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương bước đầu được quan tâm, công tác tuyên truyền được chú trọng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân về ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử. Thực hiện tốt việc hiện đại hóa nền hành chính, quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

 Tuy nhiên, việc triển khai chính quyền điện tử tại Kiên Giang vẫn còn một số khó khăn như: Chưa có quy định, cơ sở pháp lý, hướng dẫn rõ ràng về chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, giữa các cơ quan Nhà nước với người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Đồng thời, thiếu cơ sở pháp lý về xác thực, bảo vệ dữ liệu trong các giao dịch trên môi trường mạng. Thiếu các quy định, giá trị pháp lý về công tác văn thư, lưu trữ và các văn bản quy định việc sử dụng trong giao dịch hành chính, thanh toán điện tử...

Tại một số cơ quan nhà nước, thiết bị CNTT và giao diện phần mềm nhiều nơi chưa tương thích hoặc cũ (một số cơ quan, đơn vị vận hành song song nhiều phần mềm cùng một lúc), làm ảnh hưởng đến việc xử lý văn bản thông qua mạng diện rộng, đội ngũ tham gia vận hành một số nơi chưa phù hợp, việc thực hiện chữ ký số hiện nay chưa đồng bộ,…

Để giải quyết những khó khăn này, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã giao nhiệm vụ cho Sở TT&TT nghiên cứu quy chế phối hợp thực hiện với các sở, ban, ngành, phải thực hiện nghiêm việc xử lý văn bản qua môi trường mạng, cập nhật tất cả các quy hoạch, hồ sơ đấu thầu của từng địa phương lên trên Website, cổng thông tin của từng cơ quan, đơn vị có liên quan đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp, một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến phải kết nối, xử lý và thông suốt với các cơ quan, đơn vị, huyện, gắn hệ thống quản lý chất lượng ISO điện tử, nghiên cứu, hướng dẫn mở tài khoản Email cá nhân để phục vụ tốt cho nhân dân, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, chủ yếu tập trung đầu tư cho trang thiết bị, ưu tiên cho Sở TT&TT tập trung kinh phí cho phát triển Chính quyền diện tử. Giao cho Sở TT&TT làm đầu mối xây dựng quy chế để đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống phục vụ chính quyền điện tử.