“Không kịp ăn cơm để đào cây cho khách”
Những ngày qua, thời tiết tạnh ráo nên nhiều người dân, thương lái tìm đến làng đào phai Kim Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) để tìm mua cho mình những gốc đào ưng ý nhất.
Có mặt tại vườn đào phai khoảng 800 gốc của gia đình ông Chu Văn Huấn (SN 1967, xóm Đồng Bản, xã Kim Thành), có đến 3-5 lao động đang cùng chủ vườn tất bật đào hàng chục gốc cho thương lái để kịp cho chuyến xe về xuôi.
“Năm nay, đào phai nở đúng dịp nên được nhiều người tìm đến xem. Bắt đầu từ 20/12 Âm lịch trở đi, các thương lái đến mua nhiều, mỗi khi đông khách, gia đình phải thuê các thợ đào để kịp hàng. Tùy các loại cây to nhỏ, giá đào thuê mỗi gốc sẽ dao động từ 30.000, 50.000 hay 100.000 đồng...”, ông Huấn chia sẻ.
Thời tiết se lạnh, chiếc áo ấm đã ướt sũng nhưng anh Phan Lễ Liên (SN 1974, trú ở xã Kim Thành) cùng nhóm thợ vẫn cố đào cho xong hàng chục cây để sắp lên xe.
"Để làm công việc này, chúng tôi chỉ sắm các dụng cụ như cuốc, xẻng, băng dính và dây buộc… Công việc này đòi hỏi phải tỉ mỉ, kiên nhẫn bới từng lớp đất một nếu không bầu đất sẽ vỡ, đứt rễ cám, sẽ làm hỏng các cây. Hiện nay, thương lái đến mua nhiều nên có thời điểm không kịp ăn cơm trưa để đào cây cho khách", anh Liên chia sẻ.
Cách đó không xa, nhóm thợ của anh Phạm Văn Tuân (SN 1980, trú xã Kim Thành) đang tất bật đào hàng chục gốc cây cho những thương lái chuyển đi các địa bàn Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh... để bán.
“Cuối năm đi làm phụ hồ cơ bản đã xong nên tôi tranh thủ đi đào cây thuê để kiếm tiền. Những ngày này, có khi phải ở tại lán cả ngày để kịp công việc khi chủ vườn cần”, anh Tuân nói.
Theo kinh nghiệm của những người thợ đào, việc đào cây phải tỉ mỉ, kiên nhẫn bới từng lớp đất một. Khi đã chạm rễ thì tùy theo rễ to hay rễ nhỏ, người đào có thể dùng kéo, cưa hoặc búa chuông để chặt nhưng tuyệt đối không để dập rễ.
Đồng thời, trước khi rọ bầu, thợ đào sẽ lau sạch các "vết thương" trên rễ cây, sau đó thoa đều hỗn hợp keo kích thích để nhanh “liền da" cho cây. Tùy theo từng loại cây, loại đất mà cây sẽ có những tầng rễ khác nhau. Theo đó, thợ đào sẽ quyết định khoanh bầu đất to hay nhỏ, sâu hay cạn.
Do đó, tùy theo từng loại cây, kích thước to, nhỏ, từng loại đất thì chủ sẽ trả công khác nhau, có khi từ 30.000-100.000 đồng/gốc cây. Đối với những cây to, có giá trị, địa thế khó đào thì mức thù lao có thể lên đến 1 triệu đồng. Vì thế, một thợ đào cây dịp này thu nhập trung bình khoảng 1 triệu đồng/ngày.
Nâng cao chất lượng làng nghề
Cách đây khoảng một tháng, nhiều thương lái khắp nơi đã tìm về làng đào phai Kim Thành để đặt hàng chuẩn bị cho thị trường đào Tết. Nhà ít thì 5-10 gốc, nhà nhiều lên tới 40-50 gốc.
Ngoài những cây đào phai bình thường, nhiều hộ dân trên địa bàn nhờ tiếp cận khoa học kỹ thuật nên chuyển từ trồng đào truyền thống sang trồng đào thế bán hoặc cho thuê dịp Tết mang lại thu nhập cao.
Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây đào nơi đây nở hoa đúng dịp. Vì thế, nhiều người dân, thương lái rất ưa chuộng tìm về để mua chưng Tết và phục vụ cho thị trường dịp Tết.
Chủ tịch UBND xã Kim Thành, Cao Xuân Toản, thông tin, năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định công nhận danh hiệu làng nghề trồng cây hoa đào phai xã Kim Thành, đưa loại cây cảnh này trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.
Toàn xã hiện có trên 380 hộ trồng đào phân bổ trên 5/5 xóm với tổng diện tích trên 29ha, tạo việc làm cho hơn 400 hộ lao động ổn định tại địa phương với mức thu nhập bình quân mỗi năm từ 20-30 triệu đồng/sào/năm, trung bình mỗi năm xuất bán ra thị trường gần 10.000 gốc đào cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh chơi Tết. Ước tính tổng doanh thu của toàn xã dịp Tết này đạt trên 3-4 tỷ đồng.
“Trong thời gian tới, Kim Thành sẽ tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, sản phẩm cây đào, khuyến khích các hộ dân trồng những cây đào thế có giá trị kinh tế cao hơn, mang lại thu nhập cho người dân trong xã”, ông Toản nói.