Virus cúm A/H7 là 'đại gia đình virus cúm' gồm nhiều thành viên nhưng thường chỉ gây bệnh ở các loại gia cầm. Các thành viên khác trong "gia đình" này là H7N2, H7N3 và H7N7 từng lây nhiễm sang người, nhưng H7N9 thì thế giới mới ghi nhận đầu tiên từ những ca ở Trung Quốc. 

Tuy nhiên do cơ chế lây nhiễm khá dễ dàng từ gia cầm sang người trong điều kiên sự giao thương qua lại giữa các các quốc gia, lãnh thổ lân cận đã khiến nguy cơ lan tràn dịch bệnh là rất lớn bởi sự xâm nhập của đàn gia cầm bẩn, không rõ nguồn gốc được buôn bán bất hợp pháp qua biên giới đường bộ và đường thủy. 

{keywords}
Không mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc để phòng ngừa virus cúm H7N9. Ảnh Hồng Hạnh

Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa tìm ra lời đáp chính xác cho câu hỏi tại sao H7N9 từ gia cầm lại có thể lây cho người. Tuy nhiên, kết quả phân tích gene cho thấy virus này có những biến đổi để có thể phát triển trên các động vật có vú bao gồm cả con người. Cụ thể, virus H7N9 có khả năng bám dính vào được các tế bào của động vật có vú và có khả năng phát triển được trong môi trường nhiệt độ cơ thể bình thường của động vật có vú, vốn thấp hơn so với các loài gia cầm.

Một số trường hợp bị bệnh tại Trung quốc được xác định đã tiếp xúc với động vật trước đó. Virus đã được tìm thấy trong phân của chim bồ câu trong chợ chim ở Thượng Hải. Hiện tại Tổ chức y tế thế giới vẫn đang tiến hành nghiên cứu khả năng lây truyền từ động vật sang người cũng như là khả năng lây truyền từ người sang người của dòng virus cúm A/H7N9.

Theo TS. Vũ Đình Thiểm, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, để chủ động phòng tránh bệnh dịch cúm gia cầm A/H7N9 trên người trong điều kiện chúng ta chưa có vắc xin dự phòng đặc hiệu và thuốc kháng vi rút cũng chỉ có tác dụng rất hạn chế, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã khuyến cáo áp dụng rộng rãi trên toàn quốc 5 biện pháp sau:

1- Thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh nghi ngờ cúm gia cầm;

2- Không mua bán, giết mổ, sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm;

3- Khi phát hiện có gia cầm nhập lậu, ốm, chết, phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn;

4- Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

5- Người trở về nước từ khu vực có bệnh cúm gia cầm A/H7N9 phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

Minh Thu