Cẩn trọng tác dụng ngược
Đầu tháng 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn yêu cầu các ngân hàng triển khai thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động. Trong đó, thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro như đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (DN)... Ngay sau đó, một số NH đã thông báo hạn chế giải ngân đối với lĩnh vực BĐS.
Đã có nhiều ý kiến về tác động của chính sách đối với việc kiểm soát nguồn vốn vào thị trường BĐS. Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc kiểm soát là cần thiết. Tuy nhiên, cũng có không ít lo ngại chính sách có thể có “tác động ngược” dự báo, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn nếu không tiếp cận được nguồn vốn để hoạt động. Giá nhà đất có thể leo thang và cơ hội tiếp cận với nhà ở của người dân sẽ giảm. Vì vậy, một số doanh nghiệp đề xuất kiến nghị việc kiểm soát nguồn vốn nên có lộ trình, có rà soát đối với dự án đủ điều kiện pháp lý, đúng tiến độ.
Trao đổi tại Toạ đàm "Kiểm soát nguồn vốn vào BĐS - Chính sách và tác động” diễn ra hôm nay, 11/5, ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, đối với thị trường bất động sản hiện nay, ở góc độ vĩ mô, theo báo cáo của NHNN việc bơm tín dụng ra thị trường trong 4 tháng đầu năm 2022 cao hơn cùng kỳ các năm 2020 và 2021. Cộng thêm với áp lực lạm phát do nhập khẩu và một số lĩnh vực trong nước, chúng tôi dự báo điều này sẽ gây tác động gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong thị trường BĐS về khả năng thanh khoản và mua, bán.
PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện nay, có thể thấy dòng vốn chảy vào các ngành khác so với BĐS bị thiên lệch. Theo ông Thiên, cần nghiên cứu kỹ và giải quyết từng mục cụ thể nhằm khuyến khích, để tạo ra hệ thống phân bổ nguồn lực, làm giảm đầu cơ đất đai.
“Thị trường BĐS đã nghẽn 2 năm nay, cơ hội bùng nổ đang đến khi có các chương trình phục hồi kinh tế. Cơ hội vô cùng lớn, việc kiểm soát dòng vốn chưa được định hình, có thể bỏ lỡ cơ hội, khi cơ hội đầu tư đang “bùng nổ”. Bởi chính sách hiện nay, chưa đủ “táo bạo” để tiếp cận được cơ hội “bùng nổ”. Cũng nên đặt vấn đề để tạo cơ hội, tạo điều kiện để nguồn lực tư nhân phát triển”, ông Thiên nói.
Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định, những năm gần đây, thị trường bất động sản nhộn nhịp khiến giá đất nhiều nơi tăng phi mã. Để ứng phó, nhiều ý kiến đã đề xuất việc siết lại tín dụng bất động sản. Điều này nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường trở nên minh bạch, tránh xảy ra hiện tượng bong bóng, và tâm lý sử dụng nguồn vốn vào BĐS làm đòn bẩy tài chính.
Theo ông Lực, siết tín dụng là điều nên làm, nhưng trong dài hạn, quá trình này có thể dẫn đến nguy cơ thiếu vốn bởi tác động kép từ dịch Covid-19. Mặt khác, BĐS là kênh có đóng góp đến 14% GDP cho nền kinh tế hiện nay. Chủ trương có những biện pháp cân bằng, hài hòa với dòng vốn đổ vào BĐS. Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh việc kiểm soát rủi ro.
"Cơ quan quản lý cần nắn dòng vốn chứ không làm nghẽn, đồng thời chú trọng điều tiết cung – cầu", ông Lực nói.
Khơi thông
Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Lê Hoàng Hoán, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Việt, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, nếu các ngân hàng tiếp tục thắt chặt cho vay tín dụng bất động sản thì doanh nghiệp bất động sản và hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục lâm vào tình trạng khó khăn nếu không tiếp cận được nguồn vốn để hoạt động. Giá nhà đất có thể leo thang và cơ hội tiếp cận với nhà ở của người dân sẽ giảm.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh đánh giá, việc siết tài chính tín dụng đối với BĐS chắc chắn sẽ có ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh BĐS. Ông Châu cho biết, hiện Nhà nước đã quyết định có gói hỗ trợ 350.000 tỷ, phần lớn tập trung cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm các nước lân cận đang làm là hỗ trợ tín dụng cho thị trường BĐS, cấp tín dụng cho chủ đầu tư BĐS, cấp tín dụng cho đối tượng người dân, các nhà đầu tư thứ cấp. Nhà nước không nên thắt chặt thị trường BĐS, mà nên kiểm soát cho vay đối với các doanh nghiệp, đối tượng vay và sử dụng vốn vay đúng mục đích.
“Tôi cho rằng, việc chúng ta có lộ trình hạn chế tín dụng vào lĩnh vực BĐS là cần thiết nhưng nên cần giảm tiến độ này cho đến cuối năm 2023. Đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chúng ta rà soát lại sửa đổi các quy định phát luật để việc phát hành trái phiếu một cách chặt chẽ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các nhà đầu tư và để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng sự lỏng lẻo trong phát hành trái phiếu để trục lợi thậm chí để lừa đảo” – ông Châu nêu ý kiến.
Về phía quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng nhìn nhận thị trường BĐS gắn chặt với thị trường vốn, có tác động đến nhau rất nhiều. Ông Khởi đặt vấn đề trong thời điểm này ở góc độ quản lý trong lĩnh vực bất động sản có nên kiểm soát dòng vốn vào BĐS hay dùng từ như TS. Cấn Văn Lực nói là “nắn dòng vốn”.
“Tôi cho rằng kiểm soát là hợp lý. Nếu thị trường vốn có vấn đề thì thị trường BĐS cũng có vấn đề nhưng không phải “siết” mà là kiểm soát cho đúng nghĩa của nó. Tôi cho rằng dòng vốn tín dụng BĐS vẫn phải chảy vào BĐS nhưng nếu trong giai đoạn này nên ưu tiên trong các dự án bất động sản đang triển khai để nhanh cung cấp ra thị trường. Chú ý hơn đến nguồn cung nhà ở giá vừa phải. Đồng thời, đẩy mạnh nguồn cung trong lĩnh vực nhà ở xã hội, cho vay nhiều hơn. Bên cạnh đó, kiểm soát dòng tiền chạy theo tiến độ hay gọi là tiến độ dòng tiền chứ không phải ào ào một lúc. Lúc này thị trường đang có cơ hội, nhưng cũng có những thách thức. Chúng ta cũng cần phải chú trọng, kiểm soát và có định hướng đúng đắn, lâu dài” – ông Khởi nhấn mạnh.
Thuận Phong
Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 gói tín dụng 65 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân.