Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 74 triệu xe máy lưu hành. Trong đó, tỷ lệ xe trên 5 năm tuổi ước khoảng 56 triệu chiếc. Tại Hà Nội, số lượng xe máy vào khoảng 7 triệu chiếc, chưa kể số lượng xe máy ngoại tỉnh tham gia giao thông tại Thủ đô. 1/2 trong số đó là xe máy cũ, sản xuất trước năm 2000.

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, xe máy hoạt động sẽ thải ra 80 - 90% khí CO, HC, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường, không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây hại trực tiếp tới sức khỏe người dân.

Một kiểm tra ngẫu nhiên khí thải năm 2021 với hơn 5.200 xe có tuổi đời trên 5 năm cho thấy, các phương tiện này có xu hướng phát thải vượt giới hạn cho phép. Cụ thể, tỷ lệ xe không đạt tiêu chuẩn Việt Nam mức 1 là hơn 54% và mức 2 là trên 60% (theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018).

xe may12 1 472.jpg
Có nên bước đầu tiến hành kiểm định khí thải xe máy ở những thành phố lớn?

Căn cứ những dữ liệu này,  mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 47 quy định: xe mô tô, xe gắn máy có tuổi đời dưới 5 năm được miễn kiểm định khí thải; xe từ 5 - 12 năm tuổi phải kiểm định 2 năm/lần, xe trên 12 năm tuổi phải kiểm định hàng năm.

Bày tỏ đồng tình với chu kỳ đăng kiểm này, trao đổi với VietNamNet, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, việc kiểm định khí thải xe máy là cần thiết nhằm đạt mục tiêu lộ trình chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, sạch.

“Với chi phí cho việc kiểm định 1 lần khí thải xe máy như trước đây Bộ GTVT tính toán (khoảng 50.000 đồng/xe/lần) tôi cho rằng không nhiều. Với xe từ 5-12 tuổi đời, sau 2 năm mới thực hiện một lần thì chi phí này không lớn.

Chưa kể, với chu kỳ 2 năm, các hư hỏng trong ngưỡng chủ xe sẽ được phép tự xử lý. Nhưng nếu có những biến số (ở đây là khí thải) quá ngưỡng thì qua quá trình kiểm định phát hiện ra cũng giúp chủ xe có phương án thay thế, bảo dưỡng. Do đó, tôi cho rằng chu kỳ 2 năm/lần đăng kiểm với xe máy có tuổi đời trên 5 năm là hợp lý”, ông Tạo bày tỏ. 

Anh Nguyễn Văn Cường (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng, xe máy từ 5 năm tuổi nếu được sử dụng với tần suất lớn sẽ rất nhanh xuống cấp. Khi đó, chỉ cần nhìn bằng mắt thường qua ống bô cũng thấy lượng khí độc thải ra môi trường lớn cỡ nào. Do đó, việc kiểm định khí thải được thực hiện càng sớm càng tốt.

Đồng thời, anh Cường đề xuất nghiên cứu chu kỳ kiểm định phù hợp hơn. Ví dụ, xe 5 -7 năm tuổi kiểm định 24 tháng/lần. Xe từ 7-10 năm tuổi kiểm định 12 tháng/lần. Xe trên 10 năm tuổi kiểm định 6 tháng/lần.

Nên thực hiện trước tại các thành phố lớn?

Trước lượng xe máy quá lớn trong khi  Cục Đăng kiểm Việt Nam đang lên phương án xây dựng mạng lưới trạm đăng kiểm xe máy, nhiều ý kiến cho rằng nên triển khai việc này trước tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM – nơi có lưu lượng xe gắn máy tham gia giao thông đông.

Tuy nhiên, ông Tạo cho rằng đã kiểm soát khí thải thì cần được thực hiện trên quy mô toàn quốc. “Vẫn chiếc xe máy ấy có thể ngày nay ở Tuyên Quang nhưng ngày mai đã di chuyển xuống Hà Nội. Như vậy nếu, không kiểm soát khí thải xe máy trên toàn quốc thì cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng mà không đạt được mục tiêu hạn chế ô nhiễm môi trường”, ông Tạo nói.

Để nhận được sự đồng thuận từ người dân, ông Tạo cho rằng song song với việc kiểm soát khí thải xe máy, cơ quan quản lý cần có các biện pháp hỗ trợ người dân sửa chữa, khắc phục các vấn đề kỹ thuật khi xe không đạt tiêu chuẩn khí thải.

Bởi hiện nay, người sử dụng phương tiện xe máy cũ chủ yếu là người lao động. Do đó có thể xem xét đến việc hỗ trợ chi phí để người dân sửa chữa hoặc chuyển đổi sang các phương tiện xe máy điện nếu đáp ứng được một số yêu cầu nhất định. Đồng thời, Nhà nước cũng xem xét đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng, hướng tới việc sử dụng các phương tiện xanh, giảm việc sử dụng xe cá nhân, đặc biệt là xe máy tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.