Một trong những giải pháp để ngăn chặn các nội dung xấu độc trên YouTube được đưa ra đó là ngăn dòng tiền quảng cáo mà Google trả cho các video xấu độc.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, liên quan đến việc kiểm soát dòng tiền quảng cáo trên các kênh YouTube có nội dung bẩn, Ngân hàng Nhà nước đã nhận thức rõ vấn đề này. Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT, Bộ Công an để đưa ra các giải pháp giúp cho hoạt động quảng cáo minh bạch, đúng tôn chỉ mục đích, giúp cho thị trường quảng cáo phát triển lành mạnh, không chỉ doanh nghiệp được lợi mà Nhà nước cũng phải thu được lợi.
“Sắp tới sẽ có kết quả về vấn đề này, còn giải pháp cụ thể làm thế nào và các số liệu thì Vụ Thanh toán còn trình các cấp có thẩm quyền nên chưa cung cấp được”, ông Dũng tiết lộ.
Trong một cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đang hợp tác với Bộ TT&TT để giải quyết việc này”.
Google phải chịu trách nhiệm chính về nội dung “bẩn” trên YouTube
Theo đại diện của VNG, Google phải là chủ thể chịu trách nhiệm chính trong vấn nạn quảng cáo trên các kênh YouTube có nội dung xấu độc. Các nhãn hàng có thể dừng không quảng cáo trên YouTube nhưng gốc rễ của vấn đề nằm ở Google. Hiện một tỷ lệ lớn các nhà làm nội dung Việt Nam đang sản xuất nhiều nội dung trên YouTube bởi YouTube khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung bằng tiền. Các nhà quảng cáo đều có thể phát triển bộ lọc để ngăn quảng cáo xuất hiện trên các nội dung không phù hợp, nhưng việc phát triển các bộ lọc, chặn này phải nằm ở Google. Quan trọng là Google có bỏ doanh thu để chấp nhận pháp luật của nước sở tại hay không.
Đại diện VNG cũng chia sẻ, VNG có thời gian dài làm việc với Google cả ở hai vị trí vừa là khách hàng vừa đối thủ cạnh tranh, thực tế thì Google luôn có hứa hẹn, nhưng bản chất của sự việc không thay đổi. Google có thể đưa 2.000 kênh YouTube vào danh sách đen không cho quảng cáo, nhưng tháng sau lại có thêm 10.000 kênh có nội dung “bẩn” khác xuất hiện. Google chưa giải quyết được bản chất của sự việc, họ cho phép cả thế giới up video lên tự do, nội dung video có tốt hay không tốt chỉ vào xem từng nội dung mới biết được. Google có sử dụng trí tuệ nhân tạo để lọc nhưng vẫn có 20-30% nội dung bẩn vượt qua bộ lọc. Với hàng tỷ video trên YouTube thì con số 30% rất nhiều và là vấn đề lớn.
Phải dùng biện pháp kiểm soát được dòng tiền đến Google và Facebook
Đại diện VNG đưa ra đề xuất về cách quản lý nội dung trên YouTube, đầu tiên là Bộ TT&TT phải mạnh mẽ trong việc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tuân thủ pháp luật Việt Nam, mở văn phòng kinh doanh ở Việt Nam. Google muốn kiếm tiền ở Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, đây là biện pháp quan trọng nhất. Các doanh nghiệp trong nước không ngại làm ra các sản phẩm hay công cụ quảng cáo trực tuyến nội địa, nhưng mong muốn phải được cạnh tranh công bằng với Google, Facebook.
Một biện pháp nữa đã được nói đến rất nhiều và chắc chắn Việt Nam sẽ làm được là kiểm soát dòng tiền đến Google và Facebook. "Mới đây Facebook đã tuyên bố ra dòng tiền ảo riêng nếu Việt Nam không kiên quyết, chỉ trong vòng 2-3 năm nữa thôi đồng tiền riêng của Facebook có thể sử dụng cho bất cứ mục tiêu nào", đại diện VNG nhấn mạnh.
Không chỉ trên YouTube mà Facebook ở thời điểm hiện tại đã và đang xây dựng nên một cộng đồng người dùng làm video và sáng tạo nội dung đa dạng không kém YouTube, trên đà cạnh tranh gắt gao lẫn nhau trở thành mạng xã hội video lớn nhất thế giới. YouTube từng bị lên án kịch liệt vì những động thái thờ ơ với nội dung xấu thì Facebook cũng chẳng kém cạnh gì, vẫn thả lỏng cho những video phản cảm, không phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng của chính mình đặt ra mà ICTnews đã phản ánh trong thời gian gần đây.