Theo kênh CNN, ngoài vấn đề nhân đạo và chính trị, việc Taliban nhanh chóng giành quyền kiểm soát Afghanistan sau 20 năm đã khiến một số chuyên gia an ninh nghĩ tới kho khoáng sản trữ lượng lớn chưa được khai thác ở quốc gia này.
Các công nhân khai thác khoáng sản ở Afghanistan. Ảnh: Al Jazeera |
Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nhưng năm 2010, quan chức quân đội Mỹ và các nhà địa chất tiết lộ rằng Afghanistan có trữ lượng khoáng sản trị giá gần 1.000 tỷ USD, có tiềm năng lớn thay đổi triển vọng kinh tế của nước này.
Nguồn khoáng sản như sắt, đồng và vàng nằm rải rác khắp các tỉnh ở Afghanistan. Ngoài ra, còn có cả kim loại đất hiếm, nhưng thứ quan trọng nhất là lithi. Trữ lượng lithi ở Afghanistan có thể là một trong những nguồn lớn nhất thế giới. Đây là một thành phần cần thiết nhưng lại hiếm, cần phải có để sản xuất pin sạc cũng như các thiết bị công nghệ cần thiết để đối phó khủng hoảng khí hậu.
Ông Rod Schoonover, nhà khoa học kiêm chuyên gia an ninh sáng lập Tổ chức Tương lai Sinh thái, cho biết: “Afghanistan chắc chắn là một trong những khu vực giàu có nhất về kim loại quý truyền thống, nhưng cũng giàu các kim loại cần thiết cho nền kinh tế mới nổi của thế kỷ 21”.
Thách thức an ninh, thiếu cơ sở hạ tầng và hạn hán nghiêm trọng đã cản trở quá trình khai thác các kim loại có giá trị. Điều này cũng chưa thể sớm thay đổi dưới thời Taliban. Dù vậy, bất chấp tình trạng hỗn loạn, các quốc gia như Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ quan tâm tới lượng khoáng sản này và có thể tìm cách tham gia khai thác.
Tiềm năng lớn
Tính tới năm 2020, ước tính 90% người Afghanistan sống dưới ngưỡng nghèo đói 2 USD/ngày. Theo thông tin mới nhất về Afghanistan, Ngân hàng Thế giới cho biết nền kinh tế nước này vẫn mong manh và phụ thuộc vào viện trợ.
Ảnh: Al Jazeera |
Nhiều quốc gia có chính phủ yếu kém thường phải trải qua “lời nguyền tài nguyên”, tức là các nỗ lực khai thác tài nguyên không mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế. Dù vậy, kho khoáng sản của Afghanistan vẫn có tiềm năng hứa hẹn lớn.
Nhu cầu với các kim loại như lithi và coban cũng như các nguyên tố đất hiếm như neodymi đang tăng vọt khi các quốc gia chuyển sang ô tô điện và các công nghệ sạch để giảm thải carbon.
Hồi tháng 5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết nguồn cung lithi, đồng, kền, coban và nguyên tố đất hiếm toàn cầu cần phải tăng mạnh, nếu không thế giới sẽ không thể thành công trong đối phó với khủng hoảng khí hậu. Ba quốc gia là Trung Quốc, CHDC Congo và Australia đang chiếm 75% sản lượng lithi, coban và đất hiếm toàn cầu.
Một chiếc ô tô điện trung bình cần lượng kim loại nhiều hơn tới sáu lần so với ô tô truyền thống. Lithi, kền và coban rất quan trọng trong sản xuất pin. Mạng lưới điện cũng cần một lượng lớn đồng và nhôm, còn các nguyên tố đất hiếm được dùng trong nam châm – thành phần cần thiết để giúp tuốc bin gió hoạt động.
Chính phủ Mỹ đã ước tính trữ lượng lithi ở Afghanistan có thể ngang với Bolivia – nơi có trữ lượng lớn nhất thế giới.
Ông Mirzad thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ nhận định hồi năm 2010: “Nếu Afghanistan có vài năm bình yên, cho phép phát triển nguồn khoáng sản, nước này có thể trở thành một trong những quốc gia giàu nhất khu vực chỉ trong một thập kỷ”.
Thách thức lớn
Dù vậy, bình yên chưa bao giờ tới với Afghanistan khi mà phần lớn tài sản khoáng sản của nước này vẫn nằm yên dưới lòng đất.
Mặc dù Afghanistan có hoạt động khai thác vàng, đồng và sắt nhưng khai thác lithi và khoáng sản đất hiếm cần đầu tư nhiều hơn, cần cả công nghệ và thời gian. Ước tính mất trung bình 16 năm từ khi phát hiện ra trầm tích khoáng sản cho tới khi bắt đầu khai mỏ.
Hiện nay, khoáng sản mới chỉ tạo ra 1 tỷ USD/năm ở Afghanistan. Ông Mosin Khan, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, ước tính có tới 30-40% số tiền đó bị bòn rút do tham nhũng cũng như rơi vào tay các quan chức quân đội và lực lượng Taliban – những bên giám sát một số dự án khai mỏ nhỏ.
Dù vậy, ông Schoonover cho rằng vẫn có khả năng Taliban sử dụng quyền lực mới để phát triển ngành khai mỏ. Nhưng hiện nay, lực lượng này có thể chưa có thời gian để nghĩ tới việc khai mỏ, nhất là khi phải dồn sức cho một loạt vấn đề an ninh và nhân đạo ngay trước mắt.
Ông Joseph Parkers, chuyên gia an ninh châu Á tại công ty tình báo phân tích rủi ro Verisk Maplecroft, nhận định: “Taliban đã nắm quyền nhưng quá trình chuyển tiếp từ tổ chức này sang chính phủ dân tộc sẽ còn lâu mới xong. Quản lý tốt ngành khai mỏ mới mẻ cũng có thể phải cần vài năm nữa”.
Trước khi Taliban lật đổ chính phủ Afghanistan do phương Tây dựng lên, đầu tư nước ngoài vào nước này đã gặp khó khăn. Giờ đây, thu hút vốn tư nhân sẽ còn khó hơn nữa, đặc biệt là khi nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư toàn cầu đang phải tuân thủ tiêu chuẩn cao hơn bao giờ hết về môi trường, xã hội và quản trị.
Hạn chế mà Mỹ áp đặt cũng có thể là một thách thức. Taliban không nằm trong danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài của Mỹ, nhưng nhóm này bị Bộ Tài chính Mỹ đặt trong danh sách khủng bố toàn cầu đặc biệt.
Cơ hội cho Trung Quốc?
Theo ông Schoonover, Trung Quốc có thể bắt tay vào một chương trình phát triển năng lượng xanh rất quan trọng tại Afghanistan. Ông nói: “Lithi và đất hiếm tới nay vẫn là thứ không thể thay thế. Các khoáng sản này có tầm quan trọng trong kế hoạch dài hạn của Trung Quốc”.
Khi Trung Quốc nhảy vào lĩnh vực này, sẽ có lo ngại về tính bền vững của các dự án khai khoáng, ảnh hưởng tới sinh thái và một bộ phận dân cư yếu thế. Dù vậy, trong bối cảnh bất ổn hiện nay, Trung Quốc có thể chưa muốn làm đối tác khai thác với Taliban mà có thể tập trung vào các khu vực khác trước.
Theo Báo tin tức
Taliban bị tố sát hại thân nhân của nhà báo làm việc ở Đức
Các tay súng Taliban đã tiến hành săn lùng một nhà báo đang làm việc cho kênh DW tại Đức, và bắn chết người thân của anh này ở Afghanistan.
Phó thủ lĩnh Taliban tới Kabul thảo luận thành lập chính phủ mới
Phó thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar hôm nay (21/7) sẽ tới Kabul, để tham gia các cuộc thảo luận về việc thành lập chính phủ mới ở Afghanistan.